m thầm dành dụm từng đồng trong chi tiêu hằng ngày và vận động thêm bạn bè, con cháu, từ nhiều năm nay một phụ nữ ở TP.HCM đã xây dựng tại tỉnh Bến Tre hơn 50 cây cầu bê tông nông thôn, đem lại niềm vui cho nhiều xóm làng xứ Dừa.
|
Tên bà là Đỗ Thị Nguyên, nhưng mọi người thường gọi là cô Sáu Nguyên hay “kiện tướng” xóa cầu khỉ.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Tân Thanh, H.Giồng Trôm (Bến Tre), tuổi thơ của cô Sáu là những tháng ngày cơ cực. Quê hương chiến tranh, đạn bom khốc liệt phải chạy gạo từng bữa. Ngày từ Sài Gòn về thăm quê, lúc dắt đứa con gái lớn về gần tới nhà, nhìn cây cầu khỉ lắc lư mà cháu sợ quá ngồi khóc nức nở, không dám qua. Một người bà con thấy vậy thương tình đẩy xuồng từ trong tận cù lao ra đón. Cô Sáu cảm động muốn rớt nước mắt và quyết định làm ngay một chiếc cầu cho nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Nói là làm, cô Sáu bỏ ra 15 triệu đồng (hồi đó tương đương gần 4 cây vàng) để trả công thợ và mua vật liệu. Cầu khánh thành xong, cùng với niềm vui khôn xiết của bà con và nhất là cảnh các em học sinh không phải chịu cảnh đò ngang cách trở, cô Sáu cảm thấy lòng thanh thản và từ đó bén... duyên với xây cầu.
Ban đầu cô chỉ biết vận động các con, cháu ở Mỹ, Hà Lan cùng góp vào. Thấy lòng say mê của mẹ, 7 đứa con ai cũng nhiệt tình. Cái khó của việc xóa cầu khỉ là dường như mọi người đều nghĩ việc làm cầu đường là của nhà nước, nên đôi lúc chi phí phát sinh nhiều, cô phải lấy tiền nhà “đập vào”. Khi cầu xây xong, cô Sáu tổ chức các chuyến đi, mời thêm bạn bè và các cháu về tận nơi chung vui. Có dịp tận mắt chứng kiến công việc thiện nguyện và nghĩa cử vì người nghèo của cô Sáu, mọi người đều ủng hộ. Nhờ “mưa dầm thấm lâu”, tính đến nay chỉ riêng tại tỉnh Bến Tre, cô Sáu đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm xây dựng hơn 50 cây cầu bê tông kiên cố, khám chữa bệnh phát thuốc cho người nghèo với tổng trị giá gần 10 tỉ đồng.
“Cảm động lắm. Nhiều cụ già đi qua được cầu rồi rưng rưng nước mắt cầm tay tôi nói mừng quá, nếu không có những tấm lòng từ thiện nơi xa thì không biết đến bao giờ mới hết nỗi lo con cái đi học đường sá khó khăn, bất trắc”, cô Sáu kể.
Khi được hỏi suy nghĩ gì về hạnh phúc đã mang đến cho người khác, cô Sáu bộc bạch: “Tất nhiên để đức lại cho con cháu là niềm vui của các bậc làm cha mẹ. Người mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng tôi làm việc thiện không vì những lý do đơn giản như thế. Tôi làm vậy vì muốn cuộc sống này, mỗi người hãy cùng san sẻ với nhau thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn”.
Tâm sự với chúng tôi, cô Sáu còn lấy hình ra khoe một công trình xây cầu tại xã Lương Phú (H.Giồng Trôm, Bến Tre) trị giá 150 triệu đồng sắp sửa hoàn thành để kịp phục vụ năm học mới và 3 cây cầu đang chuẩn bị khởi công. Nhìn niềm vui lấp lánh trên khuôn mặt cô Sáu, chúng tôi thầm mong sao “kiện tướng” thật nhiều sức khỏe để có điều kiện giúp đỡ người nghèo.
Với thành tích xóa cầu khỉ, xây dựng cầu bê tông nông thôn, cô Đỗ Thị Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen và vinh dự được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng ba. Chương trình Lục Vân Tiên Thời Nay do Báo Thanh Niên và Tập đoàn C.T Group cùng tổ chức, nhằm kịp thời phát hiện, biểu dương, động viên tinh thần, đồng thời trợ giúp những cá nhân, tập thể người tốt việc tốt qua công việc hằng ngày. Bạn đọc có thể tham viết bài, cung cấp thông tin, đề cử, giới thiệu những gương người tốt việc tốt xung quanh mình (lưu ý: Những cá nhân, tập thể đã được giới thiệu trên các báo, tạp chí, hoặc các phương tiện truyền thông khác không được đề cử cho chuyên mục này). |
Bài viết và thông tin xin gửi về một trong hai địa chỉ sau: Tòa soạn Báo Thanh Niên - 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM |
Lê Công Sơn
Bình luận (0)