'Kiếp người' của Ngọc Giao: Những vòm hoa trắng trên tháp đài văn học

Tuấn Duy
Tuấn Duy
15/08/2023 17:30 GMT+7

Qua "Kiếp người", nhà văn Ngọc Giao đã viết về những thân phận gắn chặt với đời viết văn của bản thân mình một cách riêng tư và đầy sinh động.

Trong lời tự sự của tập truyện ngắn Kiếp người, nhà văn Ngọc Giao viết: "Các nhân vật trong truyện ồn ã bước ra, cười nói, khóc than, sướng vui, đau khổ với biết bao kiểu người, phận người, kiếp người trong xã hội thuộc địa nước nhà nửa đầu thế kỷ trước. Đặc biệt là Hà Nội, nơi ta sống nhiều và đã viết nhiều. Thành phố thuộc địa này chứa đựng cả một thế giới đầy mâu thuẫn với những tình cảm đối lập nhau: cam chịu, giận hờn, chờ đợi, thù hận và phản kháng".

'Kiếp người' của Ngọc Giao: Những vòm hoa trắng trên tháp đài văn học - Ảnh 1.

Trong Kiếp người, Văn sĩ có lẽ là phần độc đáo và thú vị nhất khi Ngọc Giao viết lại kỷ niệm cũng như những chuyện mắt thấy tai nghe với các bạn văn đương thời

Tuấn Duy

Theo đó, vào năm 1995, khi còn tại thế, tác giả đã tự sắp xếp các truyện ngắn này thành một bản thảo với tựa Kiếp người. Gồm 5 phần nhỏ Tuổi thơ, Những người khốn khổ, Văn sĩ, Kiếp cầm ca, Khí phách anh hùng, Những kẻ chán chường, đây có thể coi là tuyển tập lớn mang nhiều dáng dấp của các tác phẩm phơi bày hiện thực.

Những gương mặt cũ

Trong đó Văn sĩ có lẽ là phần độc đáo và thú vị nhất, khi Ngọc Giao viết lại kỷ niệm cũng như những chuyện mắt thấy tai nghe với các bạn văn đương thời. Đó là nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn Lê Văn TrươngVũ Trọng Phụng, Lan Khai, Tam Lang cũng như chủ báo Tân Dân - Vũ Đình Long.

Riêng Vũ Trọng Phụng chiếm đến 2 bài, cho thấy được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của “ông vua phóng sự” đối với Ngọc Giao. Qua những bài này, ta thấy bên cạnh lớp vỏ châm biếm, đào sâu hiện thực của Vũ Trọng Phụng, là một con người cá nhân có đầy thương cảm, thấm đẫm nước mắt.

Ngọc Giao kể suốt đời nhà văn luôn lấy chữ tín và cái chính nghĩa tôn lên hàng đầu. Thời ấy đói khổ, các nhà xuất bản thường trả một khoản nhuận bút trước cho tác phẩm sắp sửa ra mắt. Khi đã gần đến những ngày cuối cùng với chứng lao phổi hành hạ, thế nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn buộc bản thân hoàn thành tác phẩm để “sống không nợ, chết thủy chung”.

Đến cả Nguyễn Tuân khi chứng kiến nỗ lực của ông với lá phổi nát cũng đã nói rằng: “Cái đức tín nghĩa và cái văn tài đầy đủ của người đã đến lúc có thể cho phép người quỵt chơi dăm ba món nợ mà đời không ai dám rủa xả, đã có lũ chúng ta đây hứng chịu, trang trải sạch cho người. Can gì mà cứ ôm ngực, khạc mãi máu vào giấy mực để mà lo trả nợ”. Thế nhưng sau cùng ông vẫn viết đủ 400 trang giấy đủ dòng đủ chữ, để lương tâm mình trở nên yên ổn, "không còn lo gì quỷ sứ, Diêm Vương kìm cặp linh hồn".

Ở giai đoạn ấy, cái đói cái nghèo thấm vào nhà văn, khiến việc sáng tác văn chương luôn được thực hành như một công việc. Ngọc Giao kể lại câu chuyện của chính Lan Khai, rằng ông đã phải một mình làm 2, 3 công việc hằng ngày, có khi viết báo cho các tạp chí, cũng như cho những nhà in để nuôi sống “bầu đoàn” từ vùng thượng cao về tại Hà Nội. Ông cố viết, nằm viết, lấy hơi thở viết, viết cả ngày đêm, từ đó cho ra khối lượng đồ sộ tiểu thuyết lịch sử.

Thế nên mới có câu chuyện dở khóc dở cười là Vũ Trọng Phụng xông đến tòa soạn Tân Dân đòi tăng nhuận bút cho các văn hào. Cuối cùng thì khoản 8 hào cũng đã lên được 1 xu 2 hào cho một trang giấy, và coi như cuộc “đình công” hoàn toàn thắng lợi. Sự ấy ám ảnh ấy to lớn đến mức Ngọc Giao kể lại một lần Lan Khai đã nói với ông: “Mình rất sợ, rất ghét cái việc xé rút một tờ lịch mỗi ngày. Tờ lịch rơi xuống, mình rùng mình cảm tưởng như tự tay mình bóc xé một mảng đời. Mỗi tờ lịch rơi là một bước chân tiến tới cõi già, cùng với tử thần đưa mình kề cái chết...”.

Tuy sống trong cảnh khó khăn, thế nhưng các nhà văn ấy luôn giữ phẩm giá của mình. Chẳng hạn như chuyện Nguyễn Bính đã từng giận dỗi, thấy bản thân mình như bị xem thường khi Ngọc Giao có ý tặng ông một bộ đồ mới. Phải nhờ đến Vũ Hoàng Chương thì ông mới chịu ở lại và chấp nhận nó. Còn với Vũ Trọng Phụng, khi sắp buông lơi hết một kiếp người, ông vẫn đến lấy những tờ bản thảo được viết sạch sẽ và đầy ngăn nắp giờ dính đầy dầu của thợ sắp chữ, để làm gối kê đầu cho một số phận chầm chậm đi qua.

Xã hội một thời

Viết về thể loại chủ yếu dùng chính ký ức để làm nổi bật, thế nhưng Ngọc Giao cũng phát họa được cả một bối cảnh ở giai đoạn đó. Đó là thời kỳ mà các tiểu thuyết của Lê Văn Trương như Cô Ba Trà, Cô Tư Thung… đả phá phong trào “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” học theo các tiểu thuyết Pháp như Trà hoa nữ, Mai Nương lệ cốt, Graziella… khi gái còn son rình mò các ông sinh viên thi đỗ cao đẳng ra làm tri huyện để lấy làm chồng, nếu không sẽ tự tử chết.

'Kiếp người' của Ngọc Giao: Những vòm hoa trắng trên tháp đài văn học - Ảnh 2.

Nhà văn Ngọc Giao (1911-1997)

Văn học Sài Gòn

Thời này cũng chứng kiến nhiều ông vua phóng sự, khi dám xả thân để cho ra đời những áng văn hay. Một trong số đó là Tam Lang Vũ Đình Chí, khi trong giai đoạn 1927- 1930 đã “đi thực tế” theo kiểu hoàn toàn lao động, hoàn toàn vô sản, hoàn toàn con người, sống đau sống khổ để dấn bước vào chính cõi đời ấy. Ông đã một mình kéo xe giữa “Hà thành hoa lệ” để cho ra đời tuyệt tác Tôi kéo xe. Ông đã ngày và đêm mò vào mấy hang ổ thối tha, ăn ngủ, sống với hàng trăm con người cặn bã mà xã hội này không thèm ngó đến.

Ngọc Giao cũng không quên nhắc đến Vũ Trọng Phụng, người được mệnh danh là đỉnh cao của thể loại này. Ông viết “Vũ Trọng Phụng được thiên bẩm một khả năng kinh tưởng và tạo tác mạnh phi thường. Quanh năm co ro, rên rỉ vì nghèo túng và bệnh tật trong bốn bức tường giăng mạng nhện, vậy mà cây viết thần linh đó đã có sức vượt không gian, thời gian để nhập điệu tất cả cái gì là thầm kín nhất, sâu lắng nhất, u minh nhất, gai lửa nhất của nhân loại và vũ trụ”.

Theo đó, khi viết về cuốn Kỹ nghệ lấy Tây, Vũ Trọng Phụng được một lão hảo hán kể chuyện cho nghe mà viết như mình ở cảnh huống đó. Với Cạm bẫy người, ông đã la cà ở trong sòng bạc, xem đánh xóc đĩa, thậm chí hỏi han, quan sát cặn kẽ các tay chơi bài. Và ông đã “lật tẩy” tất cả các mánh khóe, cạm bẫy, lột túi giết người của bọn chủ sòng ác ôn ở trên mặt giấy, có khi bị chúng đe dọa đến cả tính mạng. Nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn cười như không: “Tôi thích viết, tôi cần viết. Chết vì nghề cũng được. Không ai thù nạt được tôi”.

Bằng những ký ức vẫn còn để lại, Ngọc Giao đã tái hiện những chân dung văn học và những con người từng rất quan trọng ở một thời đại. Ở đó, có thể thấy tuy còn khó khăn và nhiều thiếu thốn, nhưng họ vẫn giữ vững ngòi bút của mình, với một lòng tin vào nghệ thuật thuần túy. Và như Ngọc Giao viết: “Cái xã hội này đang lúc cần có mặt anh (Vũ Trọng Phụng) để cho thiên hạ được soi gương”, và “Cái chết của nhà văn không có nghĩa là mất hẳn, mà là những vòm hoa trắng trên tháp đài của văn học”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.