Kiếp ve chai: Đổi đời, không đổi nghề

Như Lịch
Như Lịch
10/08/2020 09:22 GMT+7

Thoát cảnh cơ cực lúc mới vào nghề ve chai, cuộc sống nay đã khấm khá, tuy vậy, họ vẫn gắn bó công việc 'bụi bặm' này, có người còn mở vựa để san sẻ với đồng nghiệp khó khăn.

Thời gian đầu đi mua ve chai tại địa phương, chị Võ Thị Dung (xã Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận) không dám về thăm cha ruột và tránh nhà người quen. Được mấy tháng, người cha phát hiện, hỏi: “Lâu nay con mua ở đâu? Con có biết đường mua không?”. Biết không giấu được nữa, chị Dung đáp: “Con nói thiệt với ba, làm nghề này con sợ ba dị (xấu hổ)”…

Trụ lại sau những lời đàm tiếu

Sau khi nghe chị Dung thổ lộ, cha chị trấn an: “Ba không dị đâu con. Con có thể làm bất cứ nghề gì, miễn đừng ăn cắp ăn trộm là được”. Có điều, ông vặn thêm: “Nhưng sao bao nhiêu nghề, con lại vào nghề này?”. Chị Dung bày tỏ: “Ngày nào con rảnh là đi mua ve chai. Còn lúc vô mùa gặt lúa, mùa rẫy này nọ thì con ở nhà làm. Nghề này con được tự do giờ giấc”.
Trong khi đó, chị Dung không thể lọt qua vòng đầu “sát hạch” của chồng. Anh cho rằng khi vợ làm nghề này, anh thấy mắc cỡ với bạn bè. Hơn nữa, anh rất ngại bởi định kiến của thiên hạ về người mua (hoặc lượm) ve chai là hay ăn cắp vặt. “Lần đầu hỏi ý kiến, ảnh không chịu. Mình nói miết ảnh cũng không duyệt. Vậy là mình chốt luôn: Anh không duyệt thì em duyệt!”, chị Dung nhớ chuyện chị quyết định đến với nghề mua ve chai cách đây 12 năm, lúc đó chị 31 tuổi.

Cuộc sống nay đã khấm khá, chị Võ Thị Dung vẫn gắn bó với nghề ve chai

ẢNH: NHƯ LỊCH

Ban đầu, chị Dung đến vựa ve chai hỏi giá. Nghe nói nhựa 3.000 đồng/ký, vậy là gặp loại nhựa nào chị Dung cũng gom cùng giá. Về bán lại, chị mới “té ngửa” rằng nhựa mềm, nhựa cứng, nhựa chết… mỗi thứ mỗi giá. Bù qua sớt lại, chị thở phào khi thấy mình không bị lỗ vốn, chỉ lỗ ngày công.
Chị Dung quan niệm làm công việc này phải chấp nhận những tình huống dở khóc dở cười. Chị dẫn chứng: Tiệc cưới vừa tàn, chủ nhà bắt đầu quét dọn. Đang lom khom lượm lon bên dưới, chị Dung bị khách say xỉn hoặc vô ý tạt ly bia. “Chồng mình không chịu được những cảnh như vậy, ảnh thấy xót cho vợ. Nhưng mình nói không sao hết, nghề nào cũng có cái này cái kia”, chị Dung chia sẻ.
Lần khác, chị Dung bị vu oan sử dụng cân gian. Người bán ve chai cho chị bực tức: “Cô sửa cân phải không? Mấy lần trước cân được mười mấy ký, sao lần này chỉ mười ký?”. Chị Dung giải thích: “Nhựa hôm nay toàn vỏ chai nước ngọt nên nhẹ hơn, chú à. Còn những lần trước có nhiều chai đựng thuốc nặng hơn”. Người bán không tin, ông la lên: “Bớ làng người ơi, cô này cân gian!”. Nhiều người tò mò xúm lại. Chị Dung bật khóc: “Chú làm vậy mất danh dự của con. Giờ con muốn đích thân chú đi mượn cân tới đây đọ”. Ông ta chạy đến tiệm tạp hóa mượn cân. Kết cục, số ký ve chai trên hai cái cân là ngang nhau, còn người bán sượng sùng xin lỗi chị...
Bình quân mỗi ngày, chị Dung kiếm từ 150.000 - 170.000 đồng/ngày. Cận tết, nhiều người dọn dẹp nhà cửa nên chị đi mua 4 - 5 chuyến, kiếm được 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Nhờ siêng năng, làm ruộng rẫy giỏi kết hợp mua bán ve chai, vợ chồng chị Dung nay đã có cuộc sống khấm khá, nhà cửa khang trang. Ngoài chiếc xe cà tàng quen thuộc để đi mua ve chai, thỉnh thoảng chị Dung gây bất ngờ khi vi vu trên xe máy xịn trị giá 70 - 80 triệu đồng. Nhiều người hỏi chị “lên đời” rồi, theo nghề ve chai chi nữa cho cực, chị Dung cười tươi: “Mình yêu thích và thấy thoải mái với công việc này, nên bỏ sao được!”.

Chủ vựa “không giống ai”

Chúng tôi đến vựa ve chai của đôi vợ chồng Nguyễn Thị Tý - Phạm Văn Quân (quê Quảng Nam, ngụ xã Đa Kai, H.Đức Linh, Bình Thuận) đúng dịp con gái lớn của họ về thăm gia đình. Bà Tý tâm tình: “Vợ chồng tui đi ve chai từ lúc nó học lớp 7, đến giờ nó đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đi dạy và có chồng con. Tính ra 18 năm rồi”.
Trước đó mỗi sáng, bà Tý lo việc chợ búa và con cái xong xuôi, đến 10 giờ là đạp xe hàng chục cây số để mua ve chai. Theo bà Tý, hồi mới vào nghề này, bà cảm thấy rất ngại ngùng và mặc cảm. Bà Tý so sánh: “Bây chừ có nhiều người đi ve chai nên nghề ni được quý, được thương. Còn hồi nớ, tụi tui bị coi thường, tủi thân muốn khóc. Nhiều nhà sợ người mua ve chai ăn cắp, thấy mình tới là họ đóng cửa, hoặc ngó coi mình có lấy cái chi của họ không, kinh lắm! Có người còn cảnh báo con họ: “Coi đồ đó nghe!”. Trong nghề này có vài người hay lượm lặt, khiến thiên hạ định kiến”.

Bà Nguyễn Thị Tý

ẢNH: NHƯ LỊCH

Sau 13 năm lặn lội đi mua ve chai, từ năm 2015, vợ chồng bà Tý trở thành chủ vựa. Không thuê người làm, hai người quán xuyến mọi thứ, có những hôm dọn dẹp đến 2 - 3 giờ sáng mới chợp mắt.
Ông Quân dí dỏm: “Không ai làm chủ như vợ chồng tui, hay bị người bán ve chai nạt nộ. Mình nghĩ thôi kệ, hắn cũng như mình ngày trước đi mua về cực khổ mệt mỏi, nên thông cảm”.
Được biết, từ khi mở vựa đến nay, vợ chồng bà Tý đã cho nhiều người nghèo hành nghề mua ve chai (bạn hàng) mượn vốn làm ăn. Hiện số nợ tồn đọng ở những bạn hàng này lên đến gần 100 triệu đồng. Trong đó, đa phần mượn từ 5 - 10 triệu đồng/người. Một số trường hợp mượn trên 20 triệu đồng “để miết rứa”, lâu lâu than thở: “Nhà em không có tiền ăn, cho em ứng 1 triệu đồng ăn đỡ, mai mốt em cân hàng trừ lại”.
Ông Quân chia sẻ: “Nếu hắn (ý nói bạn hàng - PV) bị sổ mũi, hắn bảo cần uống thuốc thì mình cũng phải mua cho hắn một liều, để hắn khỏe, mai hắn đi mua ve chai cho mình. Hắn báo hết tiền nộp card điện thoại là mình cũng phải nộp cho hắn, để hắn điện cho mình chở hàng, mua hàng chứ. Nói chung, để giữ chân bạn hàng, có khi tụi tui lo cho hắn còn hơn người thân của mình”. Bà Tý góp chuyện: “Bạn hàng mượn tiền rất nhiều, có người mượn xong không đi làm lại, mình cũng không dám kêu ca. Nói thực ra mình cho hắn mượn nợ, hắn đi ve chai hằng ngày thì mình cũng thu lại được một ít. Hai bên nhờ qua nhờ lại, hắn đi làm thì mình mới có lời”.
Nghe nhắc vựa ve chai của vợ chồng bà Tý, ông Nguyễn Văn Kiệt (H.Tân Phú, Đồng Nai), hành nghề mua bán lạc xoong, xuýt xoa: “Bản thân tôi đi nhiều vựa, tôi thấy bà Tý là số 1 về sự vượt khó vươn lên. Tôi biết bà Tý từ hồi bả nghèo khổ, ròng rã đạp xe mua ve chai chở về các vựa bán. Chủ yếu nhờ ve chai, vợ chồng bà Tý tích cóp làm nên cơ nghiệp”.
Tự hào về ba mẹ
Cô Bình (31 tuổi, giáo viên ở Q.9, TP.HCM), con gái đầu của vợ chồng bà Tý, bày tỏ: “Từ xưa đến giờ, em luôn tự hào về ba mẹ”. Nói về con mình, bà Tý hồ hởi: “Hắn không mắc cỡ, mặc cảm chi về nghề ve chai của ba mẹ, còn động viên tui. Năm đầu tiên hắn ra trường, tui đi ve chai mua được xe đạp 200.000 đồng, sửa hết 500.000 đồng, gửi lên Sài Gòn cho hắn đi dạy học. Từ nhỏ đến lớn, mấy đứa con tui hay dùng đồ ve chai, chạy xe đạp ve chai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.