Kiểu chia tay "phút 89"

29/11/2004 22:09 GMT+7

Chàng và nàng quen nhau đã gần chục năm nhưng cả hai không tiến đến hôn nhân được. Chàng buồn tình nên bỏ đi làm ăn xa, còn nàng thì muộn phiền không kém nên thường lên mạng chat giải khuây. Trong những lần chat ấy, nàng đã gặp một ngoại kiều và cả hai quyết định tiến đến hôn nhân. Khi cả hai chuẩn bị đến Sở Tư pháp làm lễ kết hôn thì đùng một cái, chàng người yêu cũ của nàng quay về và khiếu nại yêu cầu hủy hôn nhân... Đó chỉ là 1 trong 1.001 kiểu chia tay nhau vào "phút 89" tại nơi làm lễ kết hôn.

Cách đây không lâu, lãnh đạo Phòng Hộ tịch (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) đã phải hủy một hồ sơ kết hôn khá hy hữu. Cô A. và anh H. yêu nhau đã khá lâu nhưng gia đình hai bên không đồng ý cho tiến đến hôn nhân vì lý do tôn giáo. Buồn tình, H. bỏ đi làm ăn xa. Còn A. cũng "sầu không kém" nên thường lên mạng chat giải khuây. Rồi qua Internet, A. làm quen với một chàng trai người Pháp. Sau một thời gian tìm hiểu thấy tâm đầu ý hợp, cả hai đi đến hôn nhân và đã làm xong mọi thủ tục, chỉ chờ ngày đến Phòng Hộ tịch ký vào sổ bộ đăng ký kết hôn là xong. “đùng một cái", anh H. không biết từ đâu quay về, đến Phòng Hộ tịch khiếu nại, xin hủy việc đăng ký kết hôn của cô A. Lúc này, lãnh đạo Phòng Hộ tịch phải mời cô A. đến để nghe ý kiến của cô. Cô A. thú thật là vẫn còn yêu anh H., giờ đồng ý quay về với anh H. và xin hủy việc kết hôn với anh chàng người Pháp. Dĩ nhiên anh H. vui mừng, chỉ riêng chàng ngoại kiều thì phải "ôm sầu" về nước, sau khi tiêu tốn khá nhiều tiền bạc và tình cảm cho cuộc hôn nhân vượt đại dương.

Một cán bộ Phòng Hộ tịch kể, vừa rồi, anh có làm lễ cho đôi nam nữ kết hôn khá "liều". Qua tìm hiểu anh mới biết rằng họ đến với nhau bằng... "tình yêu sét đánh". Chàng là một người Đài Loan, nàng là một cô gái ở tỉnh vừa lên thành phố. Cả hai tình cờ gặp nhau khi đang đi dạo trong một công viên với bạn bè. Và sau khi trao nhau ánh mắt tình tứ, họ nhờ bạn bè thông dịch làm quen rồi ngay trong buổi chiều hôm đó, cả hai đã đi đăng ký kết hôn (?!). Tất nhiên, hồ sơ này chưa được cán bộ thụ lý chấp nhận vì hai người ấy còn phải có thời gian để chứng minh sự chín muồi và tin cậy để đến với nhau.

Bà Trịnh Thị Bích, Trưởng phòng Hộ tịch "chìa" một xấp đơn xin hủy kết hôn cho tôi xem và cho biết, mỗi tuần có không dưới 10 trường hợp xin huỷ kết hôn. Đa số những trường hợp này đều xin hủy trước khi làm lễ kết hôn (sau khi ký vào sổ kết hôn, mọi trường hợp phải ra tòa án giải quyết theo thủ tục ly hôn). Trường hợp "lịch sử" trong kết hôn tại Phòng Hộ tịch là trường hợp của một đôi nam nữ chia tay vào phút thứ... 90. Hôm đó, bà Trịnh Thị Bích là người đứng ra làm lễ. Đến xin làm lễ là một đôi uyên ương khá đẹp đôi, chàng là người Việt Nam còn nàng là một Việt kiều. Như thường lệ, bà Bích hỏi: "Hai em có tự nguyện tiến đến hôn nhân không?". Chàng trai đáp là có, tuy nhiên cô gái thì cúi đầu im lặng, rồi tự dưng oà khóc. Bà Bích liền quay sang cô gái vừa hỏi vừa trấn an: "Vì sao em khóc? Có phải vì vui quá nên em khóc phải không?" nhưng cô gái cứ im lặng. Lúc này chàng trai mới đỡ lời: "Dạ không có gì đâu chị, tại hồi sáng bị má em rầy...". Bà Bích hỏi tiếp cô gái: "Em bị má rầy việc gì?", thì cô gái bỗng gào lên: "Làm sao tôi sống nổi...". Thấy có "vấn đề", bà Bích tiếp tục thăm dò: "Tụi em kết hôn xong thì đi nước ngoài chứ đâu có ở đây với mẹ chồng đâu, sao em nói là sống không nổi?". Cô gái ngước mặt lên và hỏi ngược lại: "Em không ký vào sổ được không?". Bà Bích liền giải thích về các quy định của pháp luật về sự tự nguyện trong việc kết hôn... Cô gái nghe xong dè dặt hỏi: "Nhưng nếu không ký, em có bị phạt gì không?". Bà Bích tiếp tục giải thích những quy định của pháp luật và cho biết là không bị phạt gì. Do thấy còn nhiều chuyện giữa hai người "chưa ổn" nên bà Bích cho phép ra ngoài suy tính lại. Một hồi sau, cả hai quay vào, cô gái lại hỏi: "Một mình em không ký có được không?". Bà Bích liền đáp: "Tất nhiên là được, nhưng em có thể cho chị biết lý do không?". Cô gái nhất quyết không nói, trong khi chàng trai "thủ sẵn" bút trên tay và đặt ngòi vào sổ chuẩn bị ký tên. Bà Bích liền giải thích: "Nếu bây giờ vẫn chưa quyết định được thì tụi em có thể xin gia hạn đến 90 ngày sau. Nếu sau 90 ngày mà thấy không được thì tụi em có thể xin hủy làm lễ. Hoặc tụi em có thể xin hủy ngay bây giờ...". Bà Bích vừa dứt lời, cô gái bước đến bàn và xin hủy làm lễ ngay tức khắc. Sau khi viết đơn xong, cô ôm mặt nức nở...

Một lần, chúng tôi cũng được nghe về trường hợp một cô gái Việt xin hủy kết hôn với một anh chàng Đài Loan hai lần, và đến lần thứ 3 thì... lại đồng ý. Lần đầu tiên, cô chê anh này xấu và do cả hai không đồng nhất ngôn ngữ. Lần thứ 2, cô nói vẫn chưa đủ can đảm để làm dâu xứ lạ. Lần thứ 3 cô lại đồng ý vì "ổng... đeo dai như đỉa". Nhìn kỹ mặt anh chàng này thì đúng là không được đẹp lắm, răng bị sún nhưng lại hay cười. Khi cán bộ tư pháp hỏi anh ta: "Ông có suy nghĩ gì khi đến lần thứ 3 cô ấy mới chịu làm vợ ông". Phiên dịch chuyển ngữ tới - lui, anh này cũng không hiểu. Cán bộ tư pháp liền lặp lại một lần nữa, anh ta mới hiểu ra nhưng đáp tỉnh rụi (qua phiên dịch): "Muốn sao cũng được, miễn... có vợ là được...".

Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp xúc được với một cô gái tên M., một người đang tiến hành các thủ tục tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh để lên xe hoa với một người Đài Loan. "Vì sao cô lại đi lấy chồng nước ngoài?". Nghe một câu hỏi hơi đường đột của chúng tôi, cô gái nhìn xa xăm đáp: "Nhà em nghèo lắm. Em phải lấy chồng để giúp đỡ ba má...". "Vậy bạn trai của cô có không? Anh ấy có buồn không?" - chúng tôi hỏi tiếp. "Nhà ảnh cũng nghèo lắm. Em hết cách rồi..., em còn phải lo cho mấy đứa em của em nữa...". Nói đến đây, giọng M. như nghẹn lại...

Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.