Kim cương, ngọc trai trà trộn thật, giả

Thanh Xuân
Thanh Xuân
10/10/2018 21:07 GMT+7

Tình trạng gian lận trên thị trường kim cương, ngọc trai ngày càng trở nên tinh vi khiến người tiêu dùng dễ bị "móc túi".

“Nhân bản” giấy chứng nhận
Ngày 10.10, tại hội thảo “Chuyên đề kim cương, đá quý và giới thiệu công nghệ mới” do Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA) phối hợp với Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức. Ông Lê Hữu Hạnh - Phó tổng giám đốc PNJ cho biết trước đây xuất hiện tình trạng “nhân bản” giấy chứng nhận kim cương. Đó là một viên kim cương tự nhiên sau khi được giám định, giấy kiểm định này được dùng cho nhiều viên kim cương khác có chất lượng thấp hơn. Hình thức “nhân bản” giấy kiểm định này diễn biến tinh vi hơn trước khi những viên kim cương thay thế là kim cương tổng hợp (CVD, HPHT) làm theo những thông số trên giấy kiểm định.
Dẫn chứng cho trường hợp này, ông Trần Minh Tâm - chuyên viên Phòng Lab PNJ cho biết đã phát hiện ra trường hợp kim cương thiên nhiên chất lượng thấp (G-VS1) được khắc mã số cạnh trùng với giấy giám định nước ngoài có chất lượng cao (D-VVS1) được gửi đến kiểm định. Ngoài ra, ông Tâm còn thông tin trong 2 năm, có trên 500 mẫu kim cương trên 4 ly bị phát hiện là kim cương tổng hợp CVD, HPHT, trong đó có mẫu CVD lớn nhất là 7,3 ly (F-VVS1)và mẫu HPHT lớn nhất là 20 ly (E-VVS1). Kim cương tổng hợp trên thị trường thế giới hiện nay khá nhiều. Một hãng nữ trang của Mỹ vừa bán kim cương tổng hợp với giá 800 USD/carat, giá này chỉ khoảng 20% giá kim cương thiên nhiên.
Tổ chức kiểm định GIA New York đã phát hiện một lô kim cương tấm 1.102 viên, trong đó xác định được 1.092 viên kim cương tổng hợp HPHT. Vào năm 2015, Viện Đá quý Mỹ (GIA) thông báo có 1.042 viên kim cương từ không màu và gần không màu (phần lớn trên 1 carat) được kiểm định tại phòng thí nghiệm Israel đã bị thay đổi cơ sở dữ liệu về cấp độ màu, có thể tăng lên 3 cấp độ. Tình trạng này có khả năng sẽ quay lại.
Thận trọng với giấy “khai sinh” kim cương
Trên thị trường kim cương, giấy chứng nhận GIA được xem là “giấy khai sinh” và người tiêu dùng dựa vào đó để mua. Thế nhưng ông Hạnh lưu ý người tiêu dùng thận trọng vì không phải “giấy khai sinh” GIA nào cũng phản ánh đúng chất lượng của viên kim cương đó. Vừa qua, PNJ phát hiện một số trường hợp kim cương có biên độ dao động về quan điểm, tiêu chuẩn màu sắc, độ tinh khiết và cắt mài ở các phòng lab GIA đặt tại Bangkok (Thái Lan), Mumbai (Ấn Độ) và Tokyo (Nhật) … có sự chênh lệch thấp hơn so với tiêu chuẩn GIA và PNJLab, đặc biệt là màu sắc và độ tinh khiết.
Ông Tâm cho hay trong tuần qua, PNJ phát hiện một trường hợp khá đặc biệt, khách hàng mang một viên kim cương có giấy chứng nhận của GIA đến kiểm tra. Sau khi xác định viên kim cương này có những thông số sai lệch so với giấy, PNJ đã tiếp tục sử dụng các phương pháp kiểm tra khác thì đây là viên kim cương CVD.
Với những chiêu thức như trên, người tiêu dùng sẽ thiệt hại khá lớn. Theo ông Hạnh, một viên kim cương tự nhiên có giá 1.000 USD thì viên CVD tương ứng chỉ khoảng 250 USD, còn giấy chứng nhận kim cương có chất lượng thấp hơn chuẩn GIA 1 cấp thì bán lời khoảng 30%.
Đối với thị trường ngọc trai, chất lượng cũng muôn hình vạn trạng từ thấp đến cao, ngọc trai nước ngọt, nước mặn, từ đất liền ra đảo... Ông Hạnh cho hay, ngọc trai nước mặn đắt tiền hơn nước ngọt nên thị trường xuất hiện một số ngọc trai nước ngọt phủ một lớp xà cừ bên trên và bán với giá ngọc trai nước mặn. Tương tự, nhiều kẻ gian cũng như đưa ngọc trai từ đất liền ra đảo bán với giá cao. Có nhiều viên ngọc trai trị giá lên đến 20.000 - 30.000 USD nhưng phía mua hàng không thu hồi mua lại khi khách hàng có nhu cầu bán lại.
Nếu không cẩn trọng, mua ở những nơi không thương hiệu, uy tín... người tiêu dùng rất dễ mua phải kim cương giả mạo, thiệt hại lớn về tài chính. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.