Trước kia, ngành công nghiệp trang sức luôn cố gắng "tránh xa" những viên kim cương nhân tạo. Hiện giờ điều này đã thay đổi. Kể từ khi Prada chính thức "mang" những viên đá quý hiện đại này vào thế giới thời trang cao cấp qua các bộ sưu tập (BST) của họ thì sự phổ biến của chúng đã trở nên mạnh mẽ.
Kim cương nhân tạo ở đâu?
Kim cương nhân tạo được tạo ra bằng cách làm nóng hạt carbon trong buồng. Quá trình này tạo ra các hạt carbon siêu nhỏ, cuối cùng kết tinh thành kim cương. Cơ chế này gần giống với cách kim cương tự nhiên hình thành trong lòng đất. Do vậy, có thể nói, kim cương phi tự nhiên có vẻ đẹp tương đồng với loại tự nhiên.
Viên kim cương “Fred Audacious Blue” 8,88 carat là viên đầu tiên từ phòng thí nghiệm mà thương hiệu Pháp Fred dùng làm đồ trang sức
FRED JEWELLERY
Hàng tỷ năm mới có thể có một viên kim cương tự nhiên nhưng chỉ trong vài tuần là có một viên nhân tạo. Về giá thành, mặc dù còn nhiều kết quả cho thấy kim cương phi tự nhiên có giá đắt đỏ, song theo Prada - đơn vị đã thử nghiệm thì nhiều điều kiện có thể điều chỉnh tác động đến giá thành. Ví dụ, với chiếc vòng cổ trong BST của họ, nếu dùng đá tự nhiên giá trị sẽ lên đến cả triệu đô la nhưng nếu dùng nhân tạo thì chỉ mất khoảng 274.500 đô la.
Các thương hiệu trang sức lớn khác như gã khổng lồ Pandora, khi "nắm" lấy những viên kim cương hiện đại này đã được tăng doanh số bán hàng đáng kể. Rõ ràng kim cương phi tự nhiên xuất hiện ngày càng nhiều, đem đến cho thị trường trang sức nhiều khách hàng hơn, không chỉ trong lĩnh vực đồ cưới - trang sức cô dâu mà cả trong lĩnh vực thời trang dạ hội, thường ngày…
Tín đồ ít tiền vẫn có thể sở hữu kim cương?
Trong khi một số người đặt câu hỏi về tính đạo đức của một viên kim cương tự nhiên, thì những viên kim cương hiện đại và các lựa chọn thay thế được quan tâm đặc biệt. Moissanite và zirconia khối là ví dụ.
Chúng không phải là kim cương nhưng lại có những đặc điểm tương đồng nên vẫn được xem là loại kim cương thời trang (kim cương tổng hợp). Nghĩa là người tiêu dùng thời trang ít tiền vẫn có cơ hội chạm đến giấc mơ kim cương của mình, chỉ là tự nhiên, nhân tạo hay tổng hợp mà thôi.
Moissanite có giá ước tính thấp hơn kim cương vài chục lần, zirconia thấp hơn khoảng vài trăm lần
DIAMOND NEXUS, INNOVATION MAP
Moissanite có độ cứng, bền, chống trầy xước chỉ kém kim cương một chút. Khả năng chịu nhiệt và mức độ khúc xạ (độ lấp lánh dưới ánh mặt trời) cao hơn kim cương nhưng màu sắc của moissanite lại thua xa (chỉ số 4c - carat, color, cut, clarity). Tuy vậy, cũng như kim cương, moissanite từ phòng thí nghiệm đã trở thành một sự thay thế quý giá. Các nhà đá quý, thợ kim hoàn đã kết hợp silicon và carbon để tạo ra moissanite như một loại kim cương tổng hợp có giá rẻ nhưng sức lôi cuốn và khả năng thay thế hoàn hảo.
Zirconia khối hay CZ (Cubic zirconia) - loại chuẩn rất khó phân biệt với kim cương bằng mắt thường trừ khi bị đo khúc xạ ánh sáng. Bởi vậy CZ khối cũng được tính là một loại kim cương tổng hợp. Tuy nhiên các chỉ số như độ cứng, mức chịu trầy xước và độ xuống màu của zirconia kém nhất nên nó có giá rẻ nhất, được dùng phổ biến nhất trong phân khúc thời trang, trang sức trung cấp và thấp hơn.
Thị trường đá quý, trang sức khó đoán định nhưng định nghĩa về đẳng cấp và giá trị người tiêu dùng thời trang lại chuẩn mực và cố định. Nếu xác định trang sức là tài sản - hãy chọn loại đá tự nhiên, bạn sẽ là một người tiêu dùng thời trang có... giá trị (ít nhất là về mặt vật chất). Còn nếu ưa thời trang và nghệ thuật lại có lý tưởng bảo vệ môi trường - hãy chọn loại nhân tạo, bạn sẽ là người tiêu dùng thời trang có đẳng cấp, giàu nhận thức.
Theo: New York Times, GIA, GEM