Kim Ki-duk trở về hư vô

Trọng Kha
Trọng Kha
12/12/2020 07:08 GMT+7

60 năm có lẽ là 'vừa đủ' cho một cuộc đời đầy tính tự hủy như Kim Ki-duk, người luôn tìm mọi cách đẩy tới tận cùng giới hạn của nhân tính.

Gần 20 năm trước, khán giả Việt Nam bị mê hoặc bởi những khung hình đẹp đến ngỡ ngàng và câu chuyện đầy thiền tính trong Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân). Trong cái thời mà khi nhắc đến văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đa phần chỉ nghĩ đến những bộ phim truyền hình đẫm nước mắt thì tác phẩm của Kim Ki-duk góp phần mở cửa cho khán giả quốc tế đến với một nền điện ảnh không kém phần đặc dị. Trớ trêu thay, Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân cũng là bộ phim “ít chất Kim Ki-duk” nhất khi nó “quá bình yên”, “quá dễ xem”, khi mà nhân vật chính cuối cùng đã được cứu chuộc sau khi đã đớn đau, vật vã với tham, sân, si. Dường như đây là một pha “tự lừa dối bản thân” của Kim sau những tác phẩm khốc liệt như Bad Guy hay The Isle với màn tự sát bằng móc câu đầy ám ảnh.
Ngày 11.12, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin "quái kiệt" của điện ảnh Hàn Quốc Kim Ki-duk bất ngờ qua đời tại Latvia vì Covid-19. Theo tờ The Straits Times, đạo diễn mất rạng sáng qua (giờ địa phương), sau vài ngày nhập viện điều trị. Ông được cho là đến Latvia để dự một liên hoan phim, đồng thời có ý định tìm mua nhà với kế hoạch cư trú lâu dài ở một khu nghỉ dưỡng gần thủ đô Riga. Hiện bệnh viện và giới chức Latvia lẫn Hàn Quốc chưa xác nhận thông tin trên vì luật bảo vệ quyền riêng tư.
Từ vài năm nay, Kim chủ yếu sống và làm việc ở nước ngoài, phần lớn lại tại các nước Trung Á và Đông Âu sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục một số nữ diễn viên vào các năm 2017 và 2018. Dissolve, bộ phim cuối cùng của ông thực hiện năm 2019, lấy bối cảnh chính tại Kazakhstan.
Cùng với Bong Joon-ho, đạo diễn Parasite, và “thi sĩ” Hong Sang-soo, Kim Ki-duk là một trong những nhà làm phim được khán giả quốc tế biết đến nhiều nhất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu Bong kết hợp nhuần nhuyễn tính đại chúng và những tầng nghĩa ẩn sâu của điện ảnh, Hong tạo nên nhạc tính trong từng khung hình thì Kim “tra tấn” khán giả bằng máu và các loại “dịch cơ thể” khác. Phim của ông không khiến khán giả hồi hộp theo dõi từng chi tiết như Bong, không buồn man mác trong thế giới cảm xúc u nhã như Hong mà khiến người xem phải buồn nôn, phải kinh hãi, phải bỏ về khi chúng đập tan mọi ảo tưởng của nhân tính để phơi trần sự phi lý nguyên thủy của tồn tại người. Ngoại trừ Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân, không một nhân vật nào của Kim tìm được đích đến trên con đường sinh tồn đẫm máu của mình vì vốn ông làm phim không phải để nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh mà là để chất vấn sự phi lý của chính nỗ lực đó. Những kiếp người của Kim vì tình mà tự hành hạ bản thân, hành hạ người khác và hành động không theo bất cứ logic nào cả, đơn giản vì với ông, logic hay tình yêu là “ảo mộng của loài người” trong một vũ trụ tuyệt đối hư vô. Kim không kể chuyện, không tự sự, không châm biếm mà ông đơn giản là dẫn khán giả đi qua từng tầng của vực thẳm - một vực thẳm hiện diện ngay trong cõi sống.
Kim mãi mãi là kẻ đứng bên lề tại Hàn Quốc lẫn Hollywood nhưng lại tìm được sự đồng điệu lớn ở châu Âu, cái nôi của những nhà làm phim “hắc ám” và “hủy diệt” như Michael Haneke và Gaspar Noe. Ông là đạo diễn hiếm hoi giành được giải thưởng tại cả ba liên hoan phim hàng đầu Cannes, Venice và Berlin với Pietà (Sư tử vàng - 2012), 3-Iron (Sư tử bạc - 2004), Samaritan Girl (Gấu bạc - 2004) và Arirang (Un Certain Regard - 2011).
Dường như đã có một sự sắp đặt trớ trêu nào đó khi Kim qua đời vì Covid-19. Người luôn đớn đau dằn vặt vì tính phi lý của sự sống đã trở về với hư vô bởi một con vi rút đã và đang thách thức năng lực tri nhận thế giới của loài người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.