Đây là chi tiết liên quan đến Quan Âm các trong vườn nhà Hoạn Thư. Chẳng là nàng thuộc con nhà thế gia vọng tộc, trong vườn còn “có cây trăm thước, có hoa bốn mùa, có cổ thụ, có sơn hồ” nữa. Và dĩ nhiên là có cả Quan Âm các, vốn là nơi thờ Phật, bị họ Hoạn biến thành nơi giam lỏng Kiều để triệt tiêu con đường nàng muốn quay về cõi trần tục. Nhưng Kiều lại là một người con gái “thông minh vốn sẵn tính trời” nên đã thấy trước cái hành động của Hoạn Thư “rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa” để quyết định “thân ta ta phải lo âu”. Thế là có một đêm chưa hết canh ba thì nàng đã “cất mình qua ngọn tường hoa, lần đường theo bóng trăng tà về Tây” để thoát thân. Và đem theo mấy món đồ kim ngân trên bàn thờ để có thể xoay xở trên đường trốn đi.
Thế là Kiều vẫn trốn đi với hai chữ kim ngân như tự bao giờ… Đùng một cái, cuối năm 2002 thì Nguyễn Tài Cẩn, nhà văn bản học hàng đầu của VN trong công cuộc truy tầm nguyên tác Truyện Kiều, công bố quyển Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872 (ảnh), có in kèm bản chữ nôm. Theo bản này, hai chữ cuối của câu 2.024 là [經銀]. Rồi đến 2010, Nguyễn Quảng Tuân, người đã dành nhiều năm của cuộc đời để nghiên cứu Truyện Kiều và sưu tầm nhiều bản Kiều nôm khác nhau, cũng cho ra mắt quyển Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị, dĩ nhiên là cũng có in kèm bản chữ nôm. Theo bản này thì hai chữ đang xét vẫn y chang là [經銀]. Âm của hai chữ này hiển nhiên là kinh ngân. Nhưng cả Nguyễn Tài Cẩn lẫn Nguyễn Quảng Tuân đều đọc nó thành kim ngân, làm như trong văn bản nôm thì đó là hai chữ [金銀], có nghĩa là (đồ) vàng bạc. Hẳn là trong ý thức của mình thì cả hai ông đều cho rằng kinh ngân là hai tiếng vô nghĩa. Vậy nó có nghĩa hay không và nếu có thì đó là gì? Xin thưa là có và đó là đồ trang sức bằng bạc, như vòng tay, mặt dây chuyền, nhẫn, tấm lắc..., có khắc câu, chữ của kinh Phật. Hai ông đổi thành kim ngân thì không tôn trọng văn bản. Thực ra, hai chữ kinh ngân ở đây rất rõ ràng: [經銀], chữ kinh [經] hoàn toàn không phải do chữ kim [金] khắc nhầm. Nói cho khách quan thì kinh ngân là hai chữ dùng không thật sát nghĩa nên không thể coi là hay. Nhưng có hay hay không thì đây lại là chuyện của văn bản chứ nhà phiên âm thì lại không có quyền đổi nó thành kim ngân cho hay hơn.
Bình luận (0)