Kim Oanh chi tiền như "bốc thuốc", ngân hàng "nhắm mắt" cho vay

26/11/2003 08:07 GMT+7

Sáng 25/11, tòa và các luật sư tiến hành thẩm vấn các bị cáo liên quan tới việc lập chứng từ tạm ứng khống 55,8 tỉ đồng tại Công ty Tiếp thị. Bị cáo Lã Thị Kim Oanh khai nhận: Trước khi Đoàn thanh tra về kiểm tra Công ty Tiếp thị, Oanh tự biết có sự mất cân đối tài chính giữa thu và chi do không theo dõi trên sổ sách, "không thể nhớ được". Để đối phó, Oanh đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên lập hàng chục chứng từ khống.

Đưa bảo vệ lên làm kế toán trưởng để dễ bề thao túng

Bị cáo Phạm Tiến Bình - Phó giám đốc Công ty Tiếp thị, khai vào lúc nửa đêm, được Oanh gọi lên khách sạn 120 Quán Thánh để ký khống vào 14 phiếu tạm ứng và 14 phiếu chi với tổng số tiền 42,1 tỉ đồng, nhưng không nhận. Bị cáo Nguyễn Chính Nghĩa, kỹ sư xây dựng của công ty, cũng khai đã ký vào 10 phiếu tạm ứng và 10 phiếu chi 10,9 tỉ đồng mang tên mình (nhưng không được nhận tiền) theo yêu cầu của Kim Oanh.

Đáng chú ý, phần thẩm vấn đã làm rõ việc Đỗ Đức Thuần vốn là nhân viên bảo vệ ở khách sạn Đồng Lợi không hề có một chút nghiệp vụ đã được Kim Oanh nhận về làm kế toán rồi "nhắm mắt" đưa lên làm kế toán trưởng. Do vậy, Thuần không biết mở sổ sách kế toán, và Oanh một tay nắm hết quyền thu, chi và giữ luôn két tiền để tha hồ phóng tay tiêu pha không cần sổ sách.

Một tình tiết mới xuất hiện, khi các bị cáo Lã Thị Kim Oanh và Đỗ Đức Thuần đều khai là chị Đồng Thị Lan, cán bộ của Cục Quản lý vốn tại doanh nghiệp Hà Nội (Bộ Tài chính) về giúp đỡ Công ty Tiếp thị về nghiệp vụ tài chính - kế toán, đã hướng dẫn cho công ty dựng các chứng từ khống để cân đối thu chi. Chị Đồng Thị Lan khai, tháng 7/1997, qua công tác kiểm tra của Cục Quản lý vốn, thấy Công ty Tiếp thị không có sổ sách, chứng từ, việc hạch toán không đúng chế độ kế toán nên đã báo cho Lã Thị Kim Oanh biết và được Oanh nhờ hướng dẫn cho công ty. Chị Lan nói: "Tôi hướng dẫn về nghiệp vụ tài chính, kế toán cân đối thu chi cho Đỗ Đức Thuần cập nhật số liệu vào sổ sách, vì trước đó, anh Thuần đã làm sai công tác kế toán và thiếu trách nhiệm đôn đốc chị Oanh thu hồi chứng từ thu chi. Tôi không hướng dẫn anh Thuần làm sai và không biết việc viết các phiếu chi tạm ứng khống của công ty". Bị cáo Oanh lại khai: "Chị Lan đã hướng dẫn cho anh Thuần lập các phiếu chi khống, tôi và anh Thuần không thể nghĩ ra việc đó. Mục đích của tôi không phải là gian dối mà để hợp thức các khoản chi trước đó không vào sổ sách".

Trách nhiệm của các ngân hàng đến đâu?

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Huy Thiệp: "Việc cho vay có nhất định phải có sự xác nhận của Bộ chủ quản (Bộ NN-PTNT) hay không ?", đại diện cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong một số trường hợp, khi xem xét cho vay là "phải có sự chấp thuận của Bộ chủ quản" và đó là "một thủ tục bắt buộc". Luật sư: "Nhưng cũng phải căn cứ trên phương án kinh doanh của doanh nghiệp?". Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội: “Nếu xét cho vay kinh doanh đơn thuần thì việc cho vay được thực hiện cho các dự án, phương án đem lại hiệu quả. Nhưng ở đây ngân hàng chỉ xem xét về điều kiện vay vốn, có xác nhận bảo lãnh vay vốn". Luật sư: "Dựa vào đâu để cho rằng việc xác nhận bảo lãnh của Bộ chủ quản là điều kiện bắt buộc để ngân hàng cho vay?". Đại diện ngân hàng: "Sự xác nhận của Bộ chủ quản là yếu tố quan trọng để chúng tôi quyết định trong quá trình xem xét cho vay". Tuy nhiên đại diện của ngân hàng vẫn nói thêm: "Tất nhiên, có những trường hợp không có xác nhận vẫn cho vay". Luật sư: "Cám ơn, thế là đủ... Chính vì sự thiếu kiểm tra, giám sát mà đã dẫn đến tình trạng này".

Dẫn giải việc ngân hàng này đã cho vay 2,88 tỉ đồng cho Công ty Tiếp thị đầu tư vào Khu công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc) nhưng Lã Thị Kim Oanh chỉ khai nhận được 500 triệu đồng, một luật sư khác đứng lên hỏi: "Năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/1999/NĐ-CP về đảm bảo tiền vay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội đã làm đủ trách nhiệm của mình chưa ?". Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội ngạc nhiên: "Đến giờ này tôi mới biết chị Oanh khai mới chi 500 triệu đồng trong khi chị Oanh đã nói là ngoài nguồn vay của ngân hàng và Cục Đầu tư Phát triển thì không có nguồn nào khác. Chúng tôi cũng đã thống kê mọi khoản chị Oanh chi là 3,756 tỉ đồng. Tôi nghĩ điều này tôi không thể lý giải được". Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: "Giờ chị mới nói là chị mới biết chị Oanh đầu tư 500 triệu đồng trong khi chị vẫn nói là ngân hàng đã thực hiện đúng chức năng kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay vốn. Kiểm tra gì mà sau này biết chị Oanh chi tiền sai mà chị vẫn ký vào biên bản ?". Đại diện ngân hàng: "Tiền đã đền bù cho dân trên 2,88 tỉ đồng thì đã có xác nhận đầy đủ của xã, địa chính xã và của hơn 100 hộ dân. Còn chị Oanh khai là 500 triệu đồng thì chị Oanh phải khai rõ thêm. Chúng tôi đã hỏi những người của Công ty Tiếp thị đi làm và thực tế là họ đã chi". Luật sư: "Các chị xuống kiểm tra doanh nghiệp, thấy người ta bảo sao thì ký vậy à ?". Đại diện ngân hàng: "Nếu hỏi về thất thoát thì họ sẽ không bao giờ thừa nhận. Ông có thể hỏi chị Hương chỗ chúng tôi là người trực tiếp đi kiểm tra". Cũng về khoản vay này, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ hỏi Lã Thị Kim Oanh: "Lời khai của chị và giải trình của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội có mâu thuẫn không ?". Lã Thị Kim Oanh đáp: "Lúc đó dân đòi tiền rất gấp mà chúng tôi chưa có tiền đền bù nên phải vay từ các nguồn khác đền bù được 2,4 tỉ đồng; đến khi có tiền của ngân hàng thì lại giả nợ cho người đã vay lúc trước và không có chứng từ chứng minh cho cơ quan điều tra. Chúng tôi lấy chỗ nọ bù chỗ kia như bốc thuốc...".

Hôm nay, 26/11, phiên tòa đi vào phần tranh luận.

Nhóm PV thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.