Tháng 2.2016, khi đoàn làm phim về King Kong của Hollywood bắt đầu thực hiện các cảnh quay ở miền Trung nước ta thì cũng vừa lúc giới truyền thông và nhà quản lý trong nước đặt ra một vấn đề nghiêm túc: Ngành du lịch VN sẽ được hưởng lợi gì từ bộ phim này?
Vẻ đẹp ngỡ ngàng của hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) từng lên phim ảnh nước ngoài nhưng chưa “kích cầu” được du lịch - Ảnh: Trương Quang Nam |
Mối liên kết ngẫu nhiên
Có những công trình khi lập ra chủ đích phục vụ cho du lịch, ví dụ như vườn thú bán hoang dã (safari). Và ngược lại, cũng có những địa điểm mục đích ban đầu chẳng dính dáng gì đến du lịch, vậy mà du khách cứ ùn ùn kéo đến. Tại sao?
Câu trả lời là vì các công trình ấy đẹp và hoành tráng, ví dụ như Angkor Wat (Campuchia), Kim tự tháp (Ai Cập), Taj Mahal (Ấn Độ), Vạn lý trường thành (Trung Quốc), tháp Eiffel (Pháp)... Ngoài các công trình đồ sộ mang dấu ấn lịch sử xa xưa, trên thế giới vẫn có rất nhiều địa danh giúp cho ngành du lịch làm ăn phát đạt nhờ “ăn theo” nghệ thuật, có thể kể ra như: truyện, tiểu thuyết, truyền thuyết, phim ảnh, âm nhạc... Những tác phẩm nghệ thuật này đã giúp cho cốt truyện (hư cấu hoặc có thật) trở nên nổi tiếng hơn. Ví dụ như nhà thờ Đức Bà Paris của nước Pháp chẳng hạn.
Trên thế giới có vài chục nhà thờ mang tên Notre Dame (nhà thờ Đức Bà), trong đó có nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nhưng nổi tiếng nhất chính là nhà thờ Đức Bà Paris. Tiếng tăm của nhà thờ này bắt nguồn từ quyển tiểu thuyết hoàn thành vào năm 1831 (lấy bối cảnh thời Trung cổ) của văn hào Victor Hugo với nhan đề Notre - Dame de Paris (được dịch sang tiếng Việt: Thằng gù nhà thờ Đức Bà). Có hơn chục bộ phim đã được dàn dựng và trình chiếu dựa theo quyển tiểu thuyết này của
Victor Hugo. Đó là lý do giải thích vì sao khi đến Paris, du khách thập phương ùn ùn kéo đến thăm nhà thờ Đức Bà bất kể mùa nào trong năm. Ngành du lịch Paris cũng “vô tình” hưởng lợi từ nhà thờ này.
Nàng Kiều đang ở đâu?
Nói đến Thằng gù nhà thờ Đức Bà, chợt nhớ Truyện Kiều. Hai tác phẩm này có hai nhân vật nữ mà thân phận cũng bầm dập như nhau: nàng Esméralda của Victor Hugo và Thúy Kiều của Nguyễn Du. Tuyệt tác kinh điển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - được UNESCO vinh danh, đã dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Ấy vậy mà đến tận bây giờ, nàng Thúy Kiều vẫn cứ nằm im trong truyện, chưa biết đến khi nào mới “bước ra” rồi làm dậy sóng tình trường như nàng Esméralda.
Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Cũng giống như Victor Hugo, cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều không phải chủ đích phục vụ cho... ngành du lịch. Nhưng nếu Hollywood “quyết tâm” thực hiện phim Kiều thì chuyện gì sẽ xảy ra chắc những người làm trong ngành du lịch có thể tưởng tượng được. Chứ với trình độ điện ảnh nước nhà làng nhàng như hiện nay, không biết đến bao giờ VN mới dựng được một phim Kiều ngang tầm với Thằng gù nhà thờ Đức Bà. Chắc còn lâu lắm.
Du lịch “ăn theo” nghệ thuật - nghệ thuật “ăn theo” sự kiện, kể cả chiến tranh - quy trình ấy hiện hữu nhiều vô số kể. Riêng đề tài chiến tranh, Hollywood có vô số tác phẩm điện ảnh ăn khách. Bối cảnh chiến tranh VN nằm trong số đó.
“Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi”
Xin mượn lời bài hát Ngày đó xa rồi của nhạc sĩ Tú Nhi để nói về sự tiếc nuối, không phải cho một mối tình tan vỡ, mà là “cơ hội ngàn vàng” đã lãng trôi cách nay đúng 30 năm. Nói đến những bộ phim vang tiếng một thời của Hollywood, không thể không nhắc đến phim Trung đội (Platoon), được trình chiếu vào năm 1986, đúng vào thời điểm VN bắt đầu thực hiện chủ trương “đổi mới”. Phim này đoạt 6 giải Oscar, được chọn vào danh sách 100 phim hay nhất thế kỷ qua của điện ảnh Mỹ. Tại sao lại là Trung đội mà không phải bộ phim nào khác?
Một cảnh trong phim King Kong - Ảnh: imdb
|
Như nhiều khán giả đã biết, nội dung của phim Trung đội đề cập đến cuộc chiến thảm khốc ở miền Nam VN thập niên 1960. Vì lý do gì đó đến giờ vẫn chưa được biết, chúng ta đã từ chối cho Hollywood thực hiện bộ phim này ở VN. Thế là cuối cùng họ đành ký hợp đồng với nước láng giềng Thái Lan để quay phim. Sau khi phim Trung đội nổi đình nổi đám, khán giả trên toàn thế giới phần nào hiểu thêm về cuộc chiến thời hiện đại ở VN. Éo le ở chỗ, không phải người Việt mà chính người Thái đã ngẫu nhiên hưởng lợi từ bộ phim ấy. Tiếc quá đi chứ! Nhưng thôi, hãy quay về với thực tại - một “cơ hội ngàn vàng” khác cuối cùng cũng đã được thực hiện ở VN. Bộ phim này có nhan đề: Kong: Skull Island với tổng kinh phí ước tính khoảng 160 triệu USD. Trong tổng chi phí ấy, riêng phần thực hiện ghi hình ở VN chiếm không dưới 10%, một con số không hề nhỏ. Điều chúng ta đang chờ là liệu bộ phim này có tạo được tiếng vang như Hollywood đã từng sản xuất các bộ phim King Kong trước đó hay không?
Quái thú làm nên chuyện
Có thể kể ra đây muôn trùng những chuyện tương tự như phim King Kong giúp cho ngành du lịch “ăn theo”. Và nếu phải đem một con quái vật nào đó tạo sự tò mò tột bậc để so sánh với King Kong, người ta sẽ kéo nhau đến Scotland để tìm Nessie.
Tôi đã đến xứ Scotland rồi và có nhận xét rằng: đó là vùng đất yên bình, tĩnh lặng, thơ mộng và chẳng có chút gì ma quái cả. Thế nhưng vùng đất hiền hòa, dễ mến ấy đã khiến cả thế giới sửng sốt kể từ khi Nessie xuất hiện. Chữ Nessie bắt nguồn từ Ness - tên một hồ nước ngọt (tiếng bản địa gọi là Loch) ở Scotland, từ đó chúng ta quen miệng gọi Quái vật hồ Loch Ness.
Theo truyền thuyết, Nessie có hình thù giống mấy con khủng long thời xa xưa. Vào đầu thế kỷ 19, một nông dân Scotland cam đoan rằng chính ông ta tận mắt nhìn thấy Nessie nổi lên mặt hồ với chiều dài khoảng 45 m. Rõ ràng đó là kích thước của một con quái vật “khủng”, giống King Kong. Chính vì sự bí ẩn của Nessie nên người ta đã dựng khá nhiều bộ phim về nó cho dù đến tận ngày nay, bằng tất cả những thiết bị dò tìm hiện đại, chưa ai có thể tìm ra bằng chứng cụ thể để tuyên bố với thiên hạ rằng đó chính là quái vật hồ Ness. Do đó, Nessie vẫn mãi là truyền thuyết. Khổ nỗi, dù biết đó chỉ là truyền thuyết nhưng mỗi khi đến Scotland, phần đông du khách đều háo hức đến hồ Ness để hy vọng nhìn thấy con quái vật xuất hiện, cho dù biết rằng đó chỉ là ảo mộng.
Nghệ thuật “ăn theo”
Chưa bao giờ Hollywood buộc các quốc gia được “ăn theo” những bộ phim gây tiếng vang phải “chia chác” lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch. Ngược lại, họ còn hỗ trợ các nước ấy trong khả năng cho phép. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Phim Ngựa gỗ thành Troy, dựa theo trường ca sử thi của Homes (Hy Lạp cổ đại), Hollywood dựng thành phim và Thổ Nhĩ Kỳ đã được hãng phim tặng cho con ngựa gỗ “diễn suất” trong phim để “làm kỷ niệm” vì theo sử sách, thành Troy nằm trên đất Thổ. Chớp lấy thời cơ, người Thổ đã biến con ngựa gỗ thành địa điểm tham quan cho du khách tận mắt chiêm ngưỡng “diễn viên gỗ”. Giống Thổ Nhĩ Kỳ, ngành du lịch nước Ý cũng mặc nhiên hưởng lợi từ phim ảnh, chỉ tính riêng trường hợp của chuyện tình Romeo và Juliet, dựa theo vở kịch cùng tên của Shakespeare (Anh quốc). Sau khi Romeo và Juliet lay động trái tim của cả trăm triệu khán giả toàn cầu, người Ý đã không ngần ngại chỉ vào một căn biệt thự tọa lạc ở thành phố Verona (miền bắc nước Ý) rồi dõng dạc tuyên bố: đây là nhà của Juliet! Một khi đã đến Verona, gì thì gì du khách cũng phải ghé thăm ngôi nhà của Juliet để hồi tưởng về một cuộc tình kết thúc trong bi thảm, cho dù vẫn biết nàng chỉ là nhân vật tưởng tượng, không có thật trên cõi đời.
Nói tóm lại, bất kể lấy nguồn từ thể loại nào, hư cấu hoặc có thật, một khi tác phẩm được dựng thành bộ phim gây tiếng vang, nhất là đoạt giải Oscar, tự nó đã mặc nhiên PR hiệu quả nhất cho một địa danh cụ thể nào đó, tức khắc khơi dậy sự tò mò, khiến du khách háo hức muốn tìm đến. Ngành du lịch nhân đó hốt bạc là đương nhiên. Nếu bộ phim King Kong - với sự “góp mặt” của phong cảnh núi rừng VN - cũng lẫy lừng như Ngựa gỗ thành Troy, chắc chắn những người yêu điện ảnh trên toàn thế giới sẽ biết và muốn tìm đến VN nhiều hơn. Đến lúc đó, phần du lịch “ăn theo” điện ảnh là do chúng ta quyết định. Làm nên chuyện hay “bó tay” cũng do chính chúng ta mà thôi.
Bình luận (0)