“Kinh đô” sắn vùng biên

08/01/2011 17:48 GMT+7

Hẳn trong ký ức của nhiều người vẫn chưa thể quên cảnh ăn cơm độn sắn (khoai mì) độn khoai. Nhưng nay, ở những bản làng heo hút mấp mé bên dòng sông Sê Pôn, giáp với nước bạn Lào, nhiều người dân Vân Kiều đã đổi đời và trở thành triệu phú nhờ loại cây “ra trái ở dưới đất”.

Con đường nửa đổ nhựa nửa đất đỏ và bụi nối từ quốc lộ 9 vào vùng Lìa (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) nhiều năm rồi vẫn vậy, lởm chởm ổ voi, ổ gà như thách thức những tay lái đường xa. Nhưng cứ đi cho đến tận cùng, nơi mà ở bên này có thể nhìn với qua đến đất Lào, nhiều người ắt sẽ bất ngờ khi ở trên những quả đồi nối tiếp nhau, sắn đã phủ một màu xanh nõn nà khắp chốn…

Định danh cho cây sắn vùng Lìa

Cách đây chưa lâu, ước chừng hơn dăm năm, đồng bào mang họ Bác Hồ định cư rải rác ở chân dãy Trường Sơn đã sống hết sức khó khăn. Từ mùa rẫy này sang mùa rẫy khác, họ vẫn cứ bám lấy nhau trong những gian nhà sàn dột nát và đợi chờ… gạo cứu trợ của Nhà nước. Dù rằng đã cố quơ cào đến tứa cả máu tay trên mảnh đất cằn, nhưng chỉ vài rẻo ruộng khô, mấy hàng bắp mùa, khó mà đáp ứng cho họ có ăn được 6 tháng, huống hồ nói đến cuộc sống đủ đầy.

Già Pả Chương (60 tuổi, thôn Thanh 1, xã Thanh) phập phù ống điếu, tỏa khói lên cả mái đầu trắng xóa hồi tưởng lại: “Thời bố mẹ sống khổ lắm. Có khi mô được no cái bụng mô. Có hôm ăn sắn, có hôm ăn khoai, có hôm Nhà nước cho chi thì ăn cái đó. Dân bản ai cũng khổ không riêng chi bố mẹ…”.

Không để người dân sống mãi trong cảnh đói nghèo, tỉnh đã có nhiều quyết sách tạo công ăn việc làm cho họ. Trong đó, việc xây dựng Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (nay thuộc Công ty TNHH nhà nước một thành viên thương mại Quảng Trị) tại xã Thuận vào năm 2004 đã tạo nên một bước ngoặt thay đổi cuộc sống của dân bản mấy trăm năm chỉ quen với gian khó. Và hiển nhiên, cây sắn đã nổi lên như một loài cây chủ lực của địa phương, 7 xã vùng Lìa đã trở thành vùng nguyên liệu số 1 cho nhà máy hoạt động hiệu quả.

Ông Hồ A Cất (Phó chủ tịch UBND xã Thanh) tự hào nói với chúng tôi rằng: “Đất vùng này không phù hợp với trồng lúa, trồng ngô nhưng trồng sắn thì được. Sắn lớn vùn vụt, cho củ to và chắc nên bà con phấn khởi lắm”. Theo số liệu mà UBND xã cung cấp thì toàn xã có 632 hộ dân nhưng 100% đều tham gia trồng sắn nên diện tích sắn trên địa bàn lên đến 696 ha. Hộ có điều kiện thì trồng tới 5-7 ha, hộ “bèo bèo” thì cũng “giắt lưng” vài sào để đến mùa thu hoạch lại có đồng ra đồng vào. Dân bản ở đây không ai không biết đến những Pả A Giỏ (51 tuổi, thôn Thanh 4), Pả Hòa (40 tuổi, thôn Pa Lao), Hồ Văn Kheng (28 tuổi, thôn Thanh 1)… vì họ đang là những “quán quân” về diện tích và sản lượng sắn của xã.

Ấy thế nên chừng 5 năm trở lại đây, cư dân cả mấy thôn, bản của xã Thanh giàu lên thấy rõ. Nhà nào cũng có tivi, xe máy…, cá biệt có hộ còn có cả máy cày, trong túi lúc nào cũng sẵn một hai cái điện thoại reo liên hồi bàn chuyện làm ăn.

Không riêng gì ở xã Thanh mà tại một số xã vùng Lìa khác của huyện Hướng Hóa như Pa Tầng, A Xing, A Dơi… cây sắn đã “xâm chiếm” nhiều vùng đất hoang hóa xưa nay không ai buồn khai phá chăm sóc. Nói không ngoa, vùng Lìa nay đã được mệnh danh là “kinh đô sắn” của đất gió Lào Quảng Trị và sắn được trồng ở nơi đây cũng bắt đầu được nhiều người biết đến vì có chất lượng cao, cho nhiều tinh bột.

Trong khi dân bản thi nhau trồng sắn thì cũng chẳng ai phải màng đến chuyện đầu ra, vì có bao nhiêu nhà máy nhận bấy nhiêu. Giá cả ngày càng được, nay mỗi kg sắn tươi đã lên xấp xỉ 2.000 đồng. Nói như dân bản thôn 4 (xã Thanh) thì: “Biết trồng sắn mà kiếm tiền dễ như ri thì mình trồng từ hồi trước rồi, không phải đến chừ mới trồng đâu…”.

Câu lạc bộ 100 triệu

Nếu ở thành phố, nhiều người sẽ không quan tâm khi nghe tên CLB này, nhưng đối với bà con dân bản, những ai có tên trong CLB là vinh dự lắm. “Vì nó làm ăn giỏi nên nó giàu đó mà…” - mẹ Pỉ Axô (xã A Xing) lý giải. CLB có tuổi đời vừa lên 2 này là do Công ty TNHH nhà nước một thành viên thương mại Quảng Trị thành lập, dựa theo giá trị sắn mà các hộ nông dân vùng cao bán cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Hễ ai trồng nhiều, bán được nhiều thì lại được gia nhập CLB, mỗi năm được tập hợp đi tham quan biển Cửa Tùng, Cửa Việt...

 

Nhờ trồng sắn mà Pả A Giỏ có nhà đẹp, tậu được cả máy cày - Ảnh: Nguyễn Phúc

Tìm đến nhà Pả A Giỏ (51 tuổi, thôn 4, xã Thanh - một thành viên của CLB 100 triệu) thì ông đã đi lên rẫy, đứa cháu của ông là A Cơn dẫn chúng tôi đi tìm. Nhưng rẫy sắn của Pả A Giỏ lớn quá, lại nằm giữa hai quả đồi liền kề, đi đến mỏi cả chân mà chẳng thấy ông đâu, chỉ thấy sắn bạt ngàn, tít tắp. A Cơn đưa hai tay lên miệng hú một tiếng dài và ở đằng xa chỉ vọng về một tiếng hú khác, tròn vạnh hơn. Cuối cùng, chúng tôi gặp Pả A Giỏ khi ông đang chuẩn bị vượt con suối Ca Đắp để về nhà. “Mệt không, rẫy của mình có to không, gần hết quả núi Cocorot này đều được mình khai hoang và trồng sắn đó. Năm nay mình trồng nhiều hơn năm ngoái, giờ sắp thu hoạch rồi, mình vui cái bụng lắm” - Pả A Giỏ vừa động viên tôi vừa khoe.

Nhìn dáng người thấp đậm và bộ quần áo đã ngả màu “cháo lòng” của Pả A Giỏ, ít ai nghĩ rằng người đàn ông có 2 vợ và 7 người con này lại là ông chủ của rẫy sắn 6 ha. Nếu tính với giá thị trường và theo năng suất bình quân, riêng vụ này, Pả A Giỏ có thể gia nhập CLB 200 triệu chứ không phải là 100 triệu nữa. “Vừa rồi mình mới bán một vạt nhỏ để trang trải chi phí sinh hoạt, sắn chất đầy một xe tải, thu về 16 triệu đồng mà đếm tiền mỏi hết cả tay. Nhìn rẫy mình đoán năm nay phải được hơn 100 tấn sắn chứ không chơi mô” - Pả A Giỏ tếu táo.

Nhưng Pả A Giỏ còn có rất nhiều “đối thủ” trồng sắn trên vùng biên giới xa xôi này. Đó là Hồ Ăm Thăm ở xã Pa Tầng, là Hồ Măm ở xã A Dơi, là Hồ Văn Kheng ở xã Thanh… họ đều là thành viên của CLB 100 triệu cả. Vì vậy tiếng đồn dân bản vùng Lìa giàu đến mức đếm tiền mà cũng mệt và nhiều người thi nhau tập đếm tiền không phải là lời nói khoác. Đến nỗi, anh Hồ Văn Dinh (26 tuổi, trú thôn 1, xã Thanh) dù mới tập tành trồng sắn 2 vụ với diện tích chưa đến 1 ha, vẫn tự tin nói với chúng tôi rằng: “Mình còn nợ ngân hàng gần chục triệu nhưng không có chi phải lo, vì rẫy sắn của mình mà thu hoạch cũng được vài chục triệu, trả nợ dễ òm…”.

Ông Hồ Văn Chim - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh cũng phấn khởi lây: “Chưa lúc nào mà bà con ham làm ăn như mấy năm trở lại đây. Nhà nhà đều bỏ công sức lên rẫy lên nương trồng sắn để mỗi mùa thu hoạch lại hể hả khi có trong tay cả núi tiền mà trước nay họ chưa hề dám mơ tới”.

Nếu ai đó đã từng đi qua những bản làng khác, nơi cái đói cái nghèo vẫn còn hiển hiện rõ trên từng khuôn mặt người thì chắc sẽ phải thán phục với dân bản các xã vùng Lìa. Cũng phải thôi, khi dần dà những triệu phú sắn đã có tiếng nói trong việc thôn, việc bản và được mọi người học theo. Và có ai đó đang mơ về một ngày những người con của rừng núi thâm u ấy, ai ai cũng tránh xa được cái nghèo đeo đẳng mãi.         

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.