Kinh doanh dược liệu: Hướng đi đầy tiềm năng

21/11/2014 08:00 GMT+7

Những vùng nuôi trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu lớn, thậm chí là “siêu dự án” của các doanh nghiệp dược trong nước liên tục được mở rộng, nâng công suất. Một hướng đầu tư đầy tiềm năng mà doanh nghiệp dược trong nước đang nhắm tới.

Thực ra, không phải đến bây giờ doanh nghiệp (DN) dược trong nước mới nhìn thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. Ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, Công ty CP dược phẩm OPC là tên tuổi tiên phong trong việc tìm kiếm đối tác là các hợp tác xã tại những vùng có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để nuôi trồng dược liệu. Thời điểm đó, tại tỉnh Bắc Giang, OPC đã đặt vấn đề hợp tác trồng trọt và chế biến dược liệu với một số hợp tác xã nông nghiệp mà mục đích ban đầu chỉ nhằm đảm bảo nguồn dược liệu kim tiền thảo. Nhưng ngay sau đó, nhận thấy tiềm năng kinh doanh dược liệu, OPC đã tìm giống, hợp tác với Bộ môn Thực vật - Trường ĐH Y dược TP.HCM xác định tên dược liệu, nhân giống và trồng trọt nhiều loại dược liệu khác nhau trên một diện tích rộng lớn.

Sau hơn 20 năm phát triển vùng dược liệu, từ chỗ chỉ là vùng trồng trọt quy mô nhỏ, phương thức canh tác phân tán, đến nay, vùng nuôi trồng dược liệu của OPC tại Bắc Giang đã hoàn toàn “lột xác” với cách thức trồng trọt theo tiêu chí GACP - tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, khép kín và máy móc, thiết bị được nhập khẩu theo công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, dù kinh doanh dược liệu là hướng đi đầy tiềm năng nhưng trên thực tế, không phải DN dược nào cũng đủ khả năng để phát triển riêng vùng dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, chưa nói tới “dư dả” đem đi bán, hoặc xa hơn là xuất khẩu. Báo cáo mới đây tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu cho thấy, VN vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%. Tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Thậm chí, dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tùy tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, qua đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu.

Theo ông Nguyễn Chí Linh, Tổng giám đốc OPC, khó khăn lớn nhất của các DN dược không chỉ ở nguồn lực dành cho phát triển các vùng dược liệu tập trung phục vụ cho sản xuất, mà còn ở khả năng áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Ông Linh dẫn chứng, có những công nghệ của OPC đầu tư phát triển theo lộ trình, phải kéo dài hàng chục năm, tốn kém tiền bạc và nhân lực. Ví dụ như công nghệ chiết xuất dược liệu, từ hệ thống nấu trần, OPC đã đầu tư hệ thống chiết xuất đa năng. Riêng công nghệ xử lý chế biến dược liệu, OPC phải trang bị các thiết bị xử lý chế biến đặc thù cho dược liệu như: máy thái, máy xay thô, máy cắt đoạn thái phiến đa kích thước. Đặc biệt, công nghệ mới là máy sấy dược liệu bằng vi sóng. Về cô dược liệu, từ hệ thống cô trần cũ, OPC đã đầu tư hệ thống cô áp suất giảm, hệ thống cô chân không có ưu điểm là công suất cao, áp suất giảm, tiết kiệm năng lượng và bảo toàn được hoạt tính của cao dược liệu. Đây là những thiết bị hiện đại, rất “ngốn” tiền, không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược VN giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 VN phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%. Từ nay đến năm 2020 là quãng thời gian dài, nhưng đầu tư cho phát triển dược liệu không phải một sớm một chiều. Nếu DN dược không có bước chạy đà tốt, không có sự khởi động ngay từ lúc này, rất có thể, bài toán nhập khẩu dược liệu vẫn dang dở và tiềm năng kinh doanh dược liệu còn là ẩn số. (Nga Cao)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.