Đúng là cát sê giá khủng chứ chả chơi. Hồ Văn Lâm quả là một tay nhạy bén thương trường hơn cả những nhà kinh doanh đá quý. Ông Lâm ra giá với các nhà báo: nếu chỉ phỏng vấn “người rừng” thì dừng ở mức 1 triệu/cuộc, còn muốn xem cái “tổ chim” mà hai cha con người ấy trú ngụ suốt 40 năm qua thì phải trả 4 triệu mới được dẫn tới nơi. Ông Lâm rất biết cách ra giá cho từng phân đoạn của người đang cần thông tin về bác của ông. Nhưng có lẽ, cái giá mà ông Lâm phải trả cho các cuộc “ngã giá” như thế thì sẽ không thể đo đếm hết. Khi đã biến người bác đau khổ của mình thành một món hàng để kinh doanh thì tất nhiên, trong mắt cộng đồng người Cor ở huyện Tây Trà, Hồ Minh Lâm cũng chỉ là tay điếm đàng khi trong những ngày qua, y luôn “thút thít” khi ai đó hỏi về người bác của mình ăn ở thế nào suốt 40 năm qua trong rừng. Những giọt nước mắt có vẻ thương cảm ấy đã thấp thoáng những mưu toan chứ không phải “khóc vô tư”. Vậy là, cha con ông Hồ Văn Thanh đã chính thức trở thành “món hàng” mà người cháu của ông mang ra ngã giá với những ai cần biết về cuộc sống của họ suốt 40 năm qua.
Nhưng có lẽ, chúng ta cũng cần nhìn nhận câu chuyện “người rừng” ở một góc khác trước khi có thể trách cứ người cháu nhẫn tâm kia. Ông Hồ Minh Lâm là người “nối mạng” với cha con “người rừng” suốt trong một thời gian dài. Và cũng chính ông Lâm là người đưa cha con ông Thanh trở về với cuộc sống bình thường như bao người Cor khác. Nếu không có ông Lâm, hẳn ông Thanh hôm nay đã chết tại một góc rừng nơi có “tổ chim” mà cha con ông trú ngụ. Và cũng biết đâu, anh Hồ Văn Lang- “người rừng” còn lại cũng có thể theo chân cha nếu như anh ta quyết tâm không chịu giải thoát khỏi “tổ chim”. Nhưng không phải vì “công lao” đó mà ông Lâm biến người bác của mình thành món hàng để lấy tiền!
Trong câu chuyện này, giới truyền thông cũng đã góp phần biến tấm lòng chân thật lúc đầu của ông Lâm thành một người nhẫn tâm khi đòi cát sê như đã nói. Giới truyền thông đã khai thác một cách quá mức về “người rừng” với những câu chuyện thêu dệt có, suy diễn có, đến mức ông Lâm không thể “hầu chuyện” không công mãi được! Trong trường hợp này, có thể việc đòi “cát sê” cũng là cách để khỏi bị làm phiền, dù ai cũng biết, để khỏi bị quấy rầy thì có rất nhiều cách chứ không phải vòi tiền như cái cách của ông Hồ Minh Lâm đã làm. Nhưng nếu giới truyền thông không quá xăng xái để khai thác quá mức câu chuyện này thì cũng sẽ không có một Hồ Minh Lâm “bán đứng” hai cha con người bác ruột của mình như thế.
Trần Đăng
>> Người rừng' con hòa nhập nhanh, ghiền... điện thoại di động
>> Cha con 'người rừng' đòi về... thăm rừng
>> Giải mã 'gia tài' người rừng
>> Bí ẩn cha con “người rừng”
>> Cha con 'người rừng' đã sống 40 năm qua như thế nào ?
>> Ly kỳ chuyện giải cứu 2 'người rừng' sau... 40 năm
Bình luận (0)