Băn khoăn quyền khởi tố của ngành thuế

06/12/2017 07:14 GMT+7

Tổng cục Thuế muốn được bổ sung quyền điều tra, khởi tố vào chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại đặc quyền này có thể làm môi trường kinh doanh khó khăn, ngột ngạt.

Ngành thuế cần chức năng điều tra
Trình bày trong hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) xây dựng luật Quản lý thuế sửa đổi”, do VCCI tổ chức ngày 5.12, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho rằng chức năng điều tra là cần thiết với ngành thuế. Dự thảo luật Quản lý thuế sửa đổi ghi rõ, về bản chất điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi.
Cụ thể, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. “Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự”, đại diện Tổng cục Thuế trình bày.
Ông Huy cũng nêu thêm ý kiến, ngành thuế nhiều nước đều có chức năng điều tra. Đặc biệt, hiện tại, trong điều kiện nhiều DN xuyên quốc gia và VN gia nhập các công ước quốc tế, ngành thuế phải phối hợp với cơ quan thuế các nước. Bởi vậy, theo ông, VN sẽ khó tham gia với các nước khi cơ quan thuế trong nước không có chức năng này.
Lo ngại đặc quyền lớn, chồng chéo
Quan điểm trên của ngành thuế nhận được các ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng DN. Chuyên gia Đặng Thị Bình An, Công ty TNHH tư vấn thuế C&A, cho hay bà băn khoăn về quyền khởi tố trong điều tra thuế. Theo bà An, nếu không được quyền khởi tố mà phải chuyển sang cơ quan khác, liệu có tình trạng “xét nghiệm” lại từ đầu vì cơ quan khởi tố không tin vào kết quả điều tra của ngành thuế.
Không chỉ với điều tra thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, bày tỏ ngay với các kết quả thanh kiểm tra, các cơ quan nên sử dụng các kết quả của nhau. “Ví dụ, thuế đã kiểm tra, điều tra rồi thì Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính không cần thanh kiểm tra, điều tra lại. Nếu phát hiện sai thì ngành thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu của mình. Điều này nếu thực hiện được, mới tránh tình trạng chồng chéo, ai cũng muốn có quyền, ai cũng muốn xuống DN”, bà Cúc nói.
Bà Phạm Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young VN, lại băn khoăn việc thêm chức năng cho ngành thuế, trong đó đặc biệt là quyền khởi tố. Theo bà Trang, tại Mỹ, cơ quan thuế cũng có chức năng điều tra nhưng không có quyền khởi tố. “Chúng tôi nghĩ nếu ngành thuế có chức năng điều tra, khởi tố thì quyền hạn quá lớn,” bà Trang nêu quan điểm và lo ngại điều này nếu thành hiện thực sẽ tạo sức ép lên người nộp thuế và lên cả môi trường thực thi chính sách thuế.
Đại diện một DN khác cho rằng, ngành thuế chỉ nên làm chức năng thanh, kiểm tra về nghĩa vụ thuế và chức năng quản lý thu ngân sách…; còn điều tra, khởi tố là nhiệm vụ của lực lượng công an. “Nếu trao thêm quyền này nữa thì công an sẽ làm gì? Và sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau làm khó cho DN”, vị này chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.