Chấm dứt tình trạng không hoạt động mà vẫn lỗ

20/07/2017 07:48 GMT+7

Quan điểm trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra khi dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Tập đoàn dầu khí VN (PVN) vào sáng 19.7.

Ngoài kiểm tra việc thực hiện 189 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao cho PVN từ đầu năm 2016 đến nay, ông Dũng còn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 4 vấn đề mà PVN cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.
Nội dung quan trọng hàng đầu PVN phải sớm có chủ trương giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, nhất là 3 dự án nhiên liệu sinh học, dự án xơ sợi Đình Vũ và đóng tàu Dung Quất. "Khôi phục được thì tốt chứ để lỗ mà không hoạt động kéo dài là không ổn. Quan điểm của Thủ tướng là phải theo cơ chế thị trường, nguyên tắc tôn trọng tự chủ tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước sẽ không cấp thêm vốn", ông Dũng nhấn mạnh.
"Chúng tôi rất lúng túng"
Báo cáo của PVN cho biết sẽ khởi động lại hai nhà máy ethanol Bình Phước và Quảng Ngãi nhằm đáp ứng nguồn cung để phối trộn xăng sinh học, góp phần thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng ví von dự án thua lỗ như người ốm cần tiền bốc thuốc, song vì quan điểm của Chính phủ là không bơm vốn vào nữa nên PVN đang rất lúng túng bởi ngay việc làm thủ tục phá sản cũng cần có tiền. "Như dự án xơ sợi Đình Vũ đã hết sạch tiền để trả điện, nước. Chủ trương không cấp thêm tiền là không sai, song thực sự chúng tôi rất lúng túng, loay hoay, không biết làm thế nào, mong đoàn công tác hướng dẫn giùm cho", ông Hồng nói thêm.
Ông Mai Tiến Dũng giải thích, ý của Thủ tướng là không cấp thêm tiền đầu tư từ nguồn ngân sách. Còn việc duy trì bảo vệ tài sản, xem xét vận hành trở lại vẫn phải tiếp tục làm và đó trách nhiệm của chủ đầu tư. "Nếu những dự án không hoạt động được thì đề nghị Bộ Công thương, PVN phải có giải pháp, không loại trừ là phá sản, không loại trừ cả bán. Muốn bán được, phá sản được thì phải hoàn công, quyết toán, xác định giá trị ban đầu, tổng mức đầu tư chứ không để như bây giờ hồ sơ cũng không hoàn thành được", ông Dũng nhắc nhở.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ thêm, chỉ đạo của Chính phủ là không rót tiền ngân sách nhà nước vào những dự án này, tuy nhiên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự chủ và tự chịu trách nhiệm về việc có đầu tư thêm để duy trì hoạt động hay bán, cho phá sản.
Tăng sản lượng nhưng phải tính toán hiệu quả
Một nội dung khác được Thủ tướng, thông qua tổ công tác, muốn truyền đạt đến PVN là đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Dũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% là một thách thức, trong đó vị trí của PVN là rất quan trọng. "Đóng góp của PVN cho tăng trưởng rất lớn, nhất là việc hoàn thành mục tiêu khai thác 13,28 triệu tấn dầu đã được Chính phủ giao. Con số này dù vượt kế hoạch đầu năm 1 triệu tấn nhưng so với năm 2015 thì còn thấp hơn 3 triệu tấn. Chúng ta không lấy sản lượng để tăng trưởng bằng mọi giá vì tài nguyên không phải vô hạn nhưng con số này cực kỳ có ý nghĩa. Do đó, PVN phải tính toán hiệu quả trong bối cảnh giá dầu như hiện nay", ông Dũng lưu ý.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc, phụ trách HĐTV PVN, cho hay các chỉ tiêu sau 6 tháng đầu năm của tập đoàn tương đối tốt. Cụ thể là sản lượng dầu khai thác đạt 7,9 triệu tấn, vượt kế hoạch đầu năm 577.000 tấn, còn nếu so cả kế hoạch bổ sung thêm 1 triệu tấn thì cũng vượt 161.000 tấn. Doanh thu toàn PVN nửa đầu năm đạt 247.000 tỉ đồng, đạt 56% kế hoạch, lợi nhuận trên 13.000 tỉ, bằng 79% kế hoạch cả năm. Dự kiến từ đây đến cuối năm PVN sẽ khai thác thêm 7,46 triệu tấn dầu và việc vượt chỉ tiêu 1 triệu tấn là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cảnh báo hiện quỹ cho đầu tư thăm dò rất hạn chế, cần bổ sung để gia tăng trữ lượng mỏ, nếu không, trong vòng 5 năm tới sản lượng sẽ giảm mạnh.
Liên quan đến yêu cầu của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng cho hay hầu hết các dự án này đang chậm tiến độ vài tháng mà nguyên nhân chính là do năng lực tài chính, huy động nhân lực, thuê nhà thầu thiết kế nhà thầu có vấn đề. Dù vậy, ông Dũng khẳng định đã lập tổ công tác để đốc thúc, yêu cầu nhà thầu huy động thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Xây dựng niềm tin
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Một vấn đề không kém quan trọng với tập đoàn lúc này là xây dựng niềm tin trong đội ngũ. Vừa qua có sự chững lại trong sắp xếp cán bộ, trong tâm tư tình cảm có vấn đề. Thủ tướng có đề nghị anh Sơn (ông Nguyễn Vũ Trường Sơn) cần tạo ra không khí tốt, đoàn kết cao trong nội bộ, phải vượt qua các vấn đề tâm tư tình cảm, đoàn kết lại để khẳng định vị thế PVN”.
Ông Lê Minh Hồng chia sẻ: khoảng 40% thời gian kể từ đầu năm đến nay tập đoàn phải dành cho việc xử lý trách nhiệm, kiểm điểm. Việc thanh kiểm tra, kiểm điểm là cần thiết. Có khuyết điểm thì phải kiểm điểm sâu sắc nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tin tưởng chúng tôi, làm sao tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển chứ quá tập trung việc quá khứ thì không có tâm trí nào mà làm nữa.
Đẩy nhanh điều tra các vụ việc tại PVC
Văn phòng Chính phủ ngày 19.7 đã có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương triển khai các công việc sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ việc, vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC). Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm tại 2 dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất và Phú Thọ, dự án xơ sợi Đình Vũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.