Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án yếu kém

06/07/2017 07:54 GMT+7

Chiều 5.7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, trong số 12 dự án (DA) yếu kém của ngành, hiện 4 DA đầu tư sản xuất phân bón gồm đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 Đình Vũ và DAP số 2 Lào Cai đang hoạt động bình thường, công suất các nhà máy đạt từ 70 - 80%. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn lỗ do các chính sách mới được áp dụng nên chưa có hiệu quả ngay.
Đối với 3 DA đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol), DA nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi chưa tái khởi động được, 2 DA nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước đang xây dựng phương án thoái vốn theo quy định. DA mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên đã hoàn thành việc rút vốn 1.000 tỉ đồng vốn góp của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). DA khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (DA Nhà máy thép Việt - Trung - VTM) đã thống nhất tiếp tục góp vốn để đầu tư hạng mục dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn/năm. Từ tháng 3.2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM bắt đầu có lãi, ước tính lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm là 67 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết DA Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) đã bị thua kiện trong vụ tranh chấp với khu công nghiệp Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước, hạ tầng cơ sở. Khi bản án có hiệu lực, PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc, lãi và án phí lên đến trên 73 tỉ đồng nhưng PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ, nên sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án và phương án khởi động lại nhà máy hay bán, chuyển nhượng là khó khả thi.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn phê bình Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) trì trệ nhất trong xử lý các DA yếu kém, khi cho rằng 3 DA ethanol và PVTex không những hầu như không có chuyển biến gì mà còn tệ đi.
Giải trình trước Phó thủ tướng, Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết tập đoàn thuê luật sư cùng với chủ đầu tư PVTex để xử lý các vấn đề liên quan đến việc thi hành phán quyết của tòa. Đồng thời, hỗ trợ PVTex trong việc xử lý để quyết toán các công việc đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ. Phương án xử lý đối với nhà máy được tập đoàn đưa ra là khởi động lại rồi hợp tác với nước ngoài, tuy nhiên, để làm được thì phải bỏ thêm 256,3 tỉ đồng trong khi các DA không được sử dụng vốn nhà nước nên rất khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Tập đoàn triển khai phương án định giá để đấu giá công khai và xây dựng phương án phá sản trong trường hợp xấu nhất.
“Theo phương án đã chọn thì phải bỏ thêm vốn nhà nước, không có chuyện đó, tại sao đạm Ninh Bình chạy được mà anh không chạy được?” Phó thủ tướng truy.
Không hài lòng, Phó thủ tướng nêu rõ quan điểm nhà nước không cấp vốn, Tập đoàn xử lý theo nguyên tắc thị trường. “Nếu không chuyển sang phương án bán đấu giá, bán đồng nát thu được đồng nào hay đồng nấy”.
Phó thủ tướng đặt ra yêu cầu từng DA phải có người chịu trách nhiệm. “Lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo của từng tập đoàn, có bao nhiêu ông chịu trách nhiệm DA nào ghi rõ vào đây, không nói chung chung. Tại sao cũng khó khăn như vậy các tập đoàn làm được. Nói rõ có làm được hay không làm được, ai là người chịu trách nhiệm ở đây, để chúng tôi còn báo cáo cấp thẩm quyền xử lý”, Phó thủ tướng cương quyết.
“Cả Quốc hội, Chính phủ, toàn dân bức xúc, mà lãnh đạo tập đoàn làm như không phải việc của mình”, Phó thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo PVN; đồng thời chỉ đạo Bộ Công thương họp với Tập đoàn PVN củng cố lại, phân công, phân nhiệm cụ thể, trong vài tháng tới không có chuyển biến trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.