Đờn ca tài tử ở Phú Quốc

31/05/2012 08:39 GMT+7

Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã và đang trở thành một loại hình du lịch văn hóa được ưa chuộng trên huyện đảo Phú Quốc.

Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã và đang trở thành một loại hình du lịch văn hóa được ưa chuộng trên huyện đảo Phú Quốc.

Thiếu nhân lực

Từ lâu, ĐCTT đã là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ nói chung và Phú Quốc nói riêng. Vài năm trở lại đây, công chúng yêu mến ĐCTT ở Phú Quốc ngày càng đông hơn. Đặc biệt, ĐCTT đã được du khách yêu mến và thích thú đón nhận ngay từ khi các nhà hàng, khách sạn đưa loại hình này vào chương trình phục vụ và nó mau chóng trở thành sản phẩm du lịch mới ở huyện đảo Phú Quốc. 

 đờn ca tài tử
Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách - Ảnh: Thái Khanh

Tuy nhiên, theo những người am tường về lĩnh vực này, để chọn ra một mô hình ĐCTT mang tính chuyên nghiệp phục vụ cho du khách đến với Phú Quốc không phải dễ. Mặc dù thời gian qua, ngành văn hóa Phú Quốc đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn và phát triển ĐCTT;  nhiều giọng ca hay, nhiều tay đàn giỏi được phát hiện và chăm bồi... nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ để xây dựng một đội ngũ kế thừa chuyên nghiệp cho loại hình này. Một cán bộ ngành văn hóa Phú Quốc thừa nhận rằng mặc dù trên địa bàn hiện đã hình thành một số nhóm ĐCTT, nhưng hoạt động theo kiểu hợp tan, có gì chơi nấy. Số nghệ nhân chơi được 4 cây đờn của ĐCTT vẫn còn ít. Tuy đã có một số CLB được hình thành nhưng nhiều người không muốn tham gia vì ngại đóng sinh hoạt phí và thiếu khoản thu nhập để duy trì hoạt động. Tiếp đó, việc sưu tầm bài bản cổ, sáng tác bài mới và tổ chức luyện tập vẫn chưa được tiến hành thường xuyên.

Bên cạnh đó, mặc dù ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn ở Phú Quốc đưa loại hình ĐCTT vào phục vụ du khách, nhưng chất lượng đờn ca vẫn chưa đồng đều. Chỉ một vài nhóm ĐCTT quy tụ được 1-2 thầy đờn có ngón đờn giỏi, chơi được vài nhạc cụ; còn hầu hết các nhóm còn lại vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như: tiếng đờn chưa chuẩn xác, nhịp còn sai; chữ nhấn, chữ rung còn vụng về; chỉ đờn được đôi ba bản nhỏ mà chưa từng đụng tới các bài tổ... Riêng ở thị trấn Dương Đông hiện có khoảng 5 nhóm ĐCTT, chủ yếu là hát các bài vọng cổ và không nhóm nào có đủ dàn nhạc tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, bầu). Đờn ghi ta phím lõm thì nhóm nào cũng có nhưng đờn kìm thì rất hiếm. Nhiều tài tử ở các nhóm này có chất giọng tốt, sắc vóc đẹp, tạo được sức cuốn hút với người nghe, chuyển tải hồn bài ca hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những giọng ca chưa được rèn giũa, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của ĐCTT. Bên cạnh đó, một số tài tử chỉ hát những bài lý thông thường, những bài bản tài tử nhỏ, những bài ca vọng cổ phổ biến; còn các bài bản tài tử lớn khác thì rất hạn chế.

Nâng chất phục vụ du khách

Theo lời một nghệ nhân, thời gian qua việc đầu tư phát triển loại hình ĐCTT ở Phú Quốc chưa chú trọng về nguồn nhân lực, chỉ đầu tư về trang thiết bị, âm thanh... do đó chưa mang lại kết quả như mong muốn. Để nâng cao chất lượng của các nhóm ĐCTT phục vụ khách du lịch, sắp tới các cơ quan chức năng ở Phú Quốc cần tổ chức kiểm tra, rà soát lại trình độ, năng lực của các tài tử về cả phần đờn lẫn phần ca. Ngoài ra, nên có quy định cụ thể về loại hình này và xem xét cấp giấy phép hành nghề cho các nhóm ĐCTT hội đủ điều kiện. Đối với các nhóm còn yếu, ngành chức năng nên thường xuyên mở các lớp dạy ĐCTT để nâng cao tay nghề; tổ chức những buổi họp mặt giao lưu giữa các nhóm ĐCTT để trao đổi kinh nghiệm về quản lý, tổ chức biểu diễn, đờn ca, giới thiệu bài bản mới...

Về phần mình, các nhóm ĐCTT nên tập trung xây dựng những chương trình có chủ đề, có nội dung phong phú để du khách thưởng thức nghệ thuật ĐCTT một cách nghiêm túc và có chất lượng, tránh tình trạng chỉ biết đờn ca phục vụ theo ý khách. Làm như vậy chẳng những không gây được ấn tượng tốt với du khách, mà còn không truyền đạt được những nội dung mà nghệ thuật ĐCTT gửi gắm. Tùy điều kiện thực tế, mỗi nhóm tài tử cần có ít nhất 2 cây đờn. Có thể lựa chọn sao cho hợp lý giữa các nhạc cụ như: ghi ta phím lõm, kìm, sến, tranh, bầu, cò, gáo...

G.Sơn - T.Khanh

>> Giờ thứ 9 - Hát giữa yêu thương
>> Đồng quê - hương sắc Nam bộ xưa
>> Người vẽ hào quang cho nghệ sĩ
>> Đờn ca tài tử phô diễn lực lượng
>> Danh cầm cổ nhạc hội ngộ
>> “Cải lương dừng lại chứ không chết”
>> Cải lương tìm đường phát triển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.