Thạc sĩ Trương Phước Hiếu, Phó trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật tổng hợp Kon Tum, cùng 4 cộng sự đã bảo vệ thành công đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn và bảo tồn một số giống bắp nếp địa phương có năng suất cao, chất lượng tốt hiện có tại tỉnh Kon Tum". Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh Kon Tum đánh giá có giá trị thực tiễn cao, dễ ứng dụng vào trồng trọt.
|
Khi đưa sinh viên đi thực tế ở xã Đăk Nhoong (H.Đăk Glei), được bà con mời thưởng thức trái bắp nếp địa phương, thầy Hiếu xin bà con một trái mang về… Sau một năm nghiên cứu, thầy Hiếu có kết luận sơ lược về giống bắp nếp của bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. “Đây là nguồn gien cây trồng quý, có dinh dưỡng khá cao và khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu bất thường ở Tây nguyên so với các loại giống bắp lai hiện nay. Tuy nhiên diện tích trồng quá ít, chỉ 10% trên tổng số diện tích bắp được trồng”, thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu vận động 4 giảng viên của khoa cùng làm đợt khảo sát trên diện rộng ở các địa phương trong tỉnh. Nhóm đã thống nhất xây dựng đề cương và trình Hội đồng khoa học tỉnh Kon Tum đề tài trên. Mô hình nghiên cứu này được ứng dụng ở các xã thuộc các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Rẫy và TP.Kon Tum trong nhiều năm.
Miệt mài với nghiên cứu, thầy Hiếu băng rừng lội suối về các vùng đồng bào dân tộc, cùng ăn cùng ở với đồng bào trên các cánh đồng, nương rẫy để theo dõi quy trình, hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho hàng trăm hộ nông dân.
Ông Lê Văn Kế, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật tổng hợp Kon Tum, cho biết đề tài do thầy Hiếu làm chủ nhiệm được Hội đồng khoa học cấp tỉnh kết luận có giá trị thực tiễn cao, đóng góp 3 gien giống bắp nếp địa phương vào ngân hàng gien quý của tỉnh Kon Tum.
Hoàng Ngọc - Phạm Anh
>> Nông dân lao đao vì bắp không hạt
>> Mùa bắp nếp
>> Bắp cải
>> Bắp rang
>> Dinh dưỡng từ bắp
Bình luận (0)