Tự tạo cơ hội - Kỳ 21: Thuê đất nuôi tôm thành tỉ phú

10/04/2014 02:43 GMT+7

Từ một người làm thuê, nhờ cần cù chịu khó mà anh Phan Khắc Nhật Tiến (Tiến Đen, 38 tuổi, ngụ P.5, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) đã trở thành tỉ phú.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 21: Thuê đất nuôi tôm thành tỉ phú
Anh Tiến kiểm tra tôm nuôi của mình - Ảnh: T.T.P

Anh Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng quê Quảng Trị. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp kỹ sư thủy sản tại Đại học Nha Trang, anh vào làm cho Công ty Duyên Hải Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Gần 4 năm làm thuê, Tiến tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình nuôi tôm của riêng mình. Tiền lương chỉ đủ thuê nhà và sống qua ngày, anh tiếp tục xin làm nhân viên thị trường cho một công ty chuyên kinh doanh thức ăn tôm. “Thêm 3 năm làm thuê vất vả, bôn ba khắp các tỉnh miền Tây để tìm kiếm thị trường, tôi cũng chẳng dư dả gì”, Tiến Đen tâm sự.

Năm 2003, Tiến quyết định dốc hết tiền tiết kiệm thuê 2 ao đất bỏ hoang, khoảng 5.000 m2 tại khóm 8, P.5, với giá 6 triệu đồng/năm để nuôi tôm. Sau khi thuê được đất, anh mướn xe ủi lên bờ bao, mua máy bơm nước, dàn quạt tạo ô xy, tôm sú giống thả nuôi…, ước tổng chi phí gần 20 triệu đồng. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng anh liều mạng, bởi những người nuôi tôm vướng cảnh nợ nần, bán nhà, đất xảy ra khắp nơi. Nhưng với kinh nghiệm tích lũy được, vụ tôm đầu tiên anh thu hoạch gần 4 tấn tôm sú thương phẩm, bán được trên 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê đất, thức ăn… còn lời trên 500 triệu đồng.

Có tiền, Tiến thuê thêm đất mở rộng diện tích thả nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm bền vững nên vụ nào anh cũng thành công, có vụ lời hàng tỉ đồng. Đặc biệt, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nở rộ năm 2013, anh cũng thử nghiệm và thu hoạch được gần 200 tấn tôm thương phẩm, doanh thu khoảng 27 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lời hơn 10 tỉ đồng.

Luôn chia sẻ kinh nghiệm

Anh Tiến tâm sự: “Từ khi quyết định đi thuê đất nuôi tôm đến nay, cuộc sống tôi đã khá hơn. Xây được nhà, mua được 30 ha đất và thuê thêm 20 ha để mở rộng diện tích nuôi”. Với 50 ha đất hiện có, anh Tiến cải tạo thành hơn 100 ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp khép kín. Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, trước hết khâu cải tạo ao đầm phải kỹ lưỡng, có hệ thống kênh mương bảo đảm nguồn nước. Đặc biệt, phải mua tôm giống từ các công ty có uy tín. Trong 2 tháng đầu thả tôm nuôi phải xử lý bằng vi sinh định kỳ 3 ngày/lần..., sẽ giúp nhân lượng vi sinh có lợi trong môi trường nước nhằm tạo thức ăn tự nhiên cho tôm, giảm thức ăn công nghiệp, môi trường luôn ổn định không bị ô nhiễm... Anh Tiến cho biết, thường thả tôm thẻ mật độ 80 con/m2, sau 4 - 5 tháng tôm đạt trọng lượng 25 con/kg, sản lượng bình quân 30 tấn/ha và với giá 260.000 đồng/kg thì lợi nhuận ước đạt khoảng 60%.

Từ người làm thuê, nay anh Tiến tạo công ăn việc làm ổn định cho 35 thanh niên ở nông thôn, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng và giao khoán cho họ trực tiếp theo dõi nhiều ao tôm. Những hộ nuôi tôm lân cận cho biết, anh Tiến sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi tôm cho bà con. Đặc biệt, trên đầm tôm của anh lúc nào cũng có hơn 20 sinh viên chuyên ngành thủy sản thực tập và luôn được anh chỉ dẫn tận tình.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.