Cổ phiếu bia này tiếp tục được giao dịch sôi động. Trong phiên giao dịch, có thời điểm BHN tăng lên mức gần 150.000 đồng/CP. Tuy nhiên, với sự trầm lắng của nhiều CP nói chung và chỉ số VN-Index bị giảm xuống, đến cuối phiên BHN chỉ còn đạt 135.000 đồng/CP, tăng thêm được 7.400 đồng so với mức giá tham chiếu 127.600 đồng/CP khi chào sàn.
Trước đó, Habeco đã giao dịch trên UPCoM từ 28.10.2016 với giá chào sàn 39.000 đồng/CP. Vừa lên sàn, BHN đã “tạo sóng” trên thị trường vốn khá trầm lặng này khi tăng một mạch lên 225.000 đồng/CP và sau đó điều chỉnh dần về ngưỡng 100.000 đồng/CP. Mức giá của cổ phiếu này trong phiên cuối cùng trên UPCoM ngày 10.1 là 128.000 đồng/CP. Có thể nói hiện tượng Habeco tăng giá liên tục trên sàn UPCoM được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Đây cũng là CP lớn đã kéo được “sóng” CP ngành bia trên thị trường chứng khoán nói chung thời gian qua tăng thẳng đứng. Dù mức giá này còn cách khá xa với giá 223.800 đồng/CP của cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhưng đó cũng là sự thành công ngoài mong đợi của cổ đông Habeco.
Habeco tiến hành IPO từ tháng 3.2008. Như vậy hiện nay, hai CP dẫn đầu ngành bia VN là BHN của Habeco và SAB của Sabeco cùng giao dịch trên HOSE được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơn sóng mới cho ngành bia nói riêng và góp phần tạo ra không khí giao dịch sôi động cho thị trường chứng khoán nói chung trong thời gian tới.
Trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công thương ban hành, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 4,1 tỉ lít bia, 6,8 tỉ lít nước giải khát và 350 triệu lít rượu vào năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 4 - 5,6% mỗi năm, Bộ Công thương dự kiến giá trị sản xuất của ngành bia sẽ đạt 90.500 tỉ đồng vào năm 2020. Như vậy mức độ tiêu thụ bia của Việt Nam khiến các nhà đầu tư luôn săn đón cổ phiếu của doanh nghiệp trong ngành này.
Bình luận (0)