Dân Qatar lo lắng trữ thực phẩm vì 'khủng hoảng Ả Rập'

07/06/2017 09:34 GMT+7

Người dân Qatar tích cực trữ thực phẩm hôm 6.6 do lo ngại cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước láng giềng có thể dẫn đến cảnh phong tỏa kinh tế, gây tình trạng thiếu thức ăn.

Theo CNN, sáu nước, trong đó có Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sau khi cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố, gây bất ổn cho khu vực. Qatar cho hay cáo buộc trên “vô căn cứ”.
Quốc gia Trung Đông là một trong những nước giàu nhất trên thế giới nhưng chủ yếu phải nhập khẩu thực phẩm vì tọa lạc ở vùng sa mạc. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay Qatar nhập khẩu khoảng 1 tỉ USD giá trị thực phẩm trong năm 2015. 1/3 trong số này đến từ Ả Rập Xê Út và UAE.
Ả Rập Xê Út vừa cắt đứt tất cả các đường hàng không, đường biển và đường bộ với Qatar. UAE thì đóng cửa sân bay, bến cảng. Ông Adel Abdel Ghafar thuộc Brookings Doha Center cho hay: “An ninh lương thực là vấn đề lớn ở Qatar. Vì vậy, việc đóng cửa đường bộ, đường hàng không ít nhiều tác động lên chuỗi cung ứng thực phẩm”.
Ông Abdel Ghafar cho biết siêu thị của ông đặc biệt bận rộn hôm 5.6. Một số kệ hàng, trong đó có kệ bày bán sữa và thịt gia cầm, đã trống. Một số người còn đăng hình ảnh siêu thị đông người lên mạng xã hội.
Nếu bị cắt khỏi hai nguồn cung thực phẩm lớn nhất, Qatar sẽ phải tìm cách nhập thức ăn từ nơi khác. Ông Abdel Ghafar nói: “Cuộc khủng hoảng ngoại giao này thúc đẩy sự bận rộn tại các siêu thị. Chính phủ vẫn chưa trả lời song tôi nghĩ rằng họ sẽ phản ứng nhanh chóng, nhập sữa, thịt gia cầm và các sản phẩm khác từ nước khác”.
Iran đang chuẩn bị chuyển thực phẩm qua cho Qatar thông qua ba cảng ở phía nam trong vòng 12 giờ, theo thông tin từ hãng thông tấn Fars của Iran. Sự sẵn lòng hợp tác với Iran là một trong những nguyên nhân khiến Qatar căng thẳng với các nước láng giềng Ả Rập. Iran và Qatar cùng nhau sở hữu mỏ khí đốt lớn nhất thế giới South Pars. Dự trữ khí đốt 1.800 tỉ feet khối biến Qatar trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, giúp kinh tế nước này bùng nổ.
Dù vậy, căng thẳng với các nước láng giềng chắc chắn sẽ làm tổn thương kinh tế Qatar. Nước này ước tính thương mại giữa họ và UAE đạt 7 tỉ USD năm 2015 và hiện có hơn 4.000 công ty Qatar hoạt động tại UAE.
Đại sứ quán Qatar tại UAE khuyên người dân đi vòng sang Kuwait hoặc Oman nếu không thể bay thẳng đến UAE. Nước này cũng sẵn sàng trả tiền vé máy bay cho người dân nếu họ không đủ khả năng mua. Một số người nước ngoài sống ở Vùng Vịnh cũng đang tìm cách khác để đến và đi từ Doha, thủ đô Qatar. Nhiều gia đình sống ở Dubai thường chỉ mất 45 phút bay để đi làm ở Doha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.