Đề xuất nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản

04/12/2017 21:48 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay trách nhiệm quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các văn bản khác. Việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đặc biệt doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Mới đây, luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm hoạt động kinh doanh vàng khác. Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với hoạt động vay vàng, trước đây, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế.

Trước tình hình đó, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, việc vay vàng của dân để bán vàng lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất sẽ gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp. Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, trong giai đoạn 2007 - 2009, một số sàn giao dịch vàng trong nước xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo...

Do đó, dự thảo Nghị định 24 quy định, hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.

tin liên quan

'Ôm mộng' sàn vàng - Kỳ 2: Chơi vàng tài khoản như cờ bạc
Các nhà đầu tư thường có tâm lý lo sợ cắt lỗ thì giá vàng sẽ quay đầu lại nên rơi vào tình trạng nuôi tài khoản. Khi đã chấp nhận cắt lỗ thì lại nghĩ “thua keo này ta bày keo khác”, cứ thế bỏ tiền vào để gỡ gạc và họ bám trụ trên sàn vàng với tâm lý này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.