Gần 1.000 km đường sông nội bộ bị lãng phí: Biến vùng trũng thành đô thị vệ tinh sông nước

18/10/2017 10:45 GMT+7

Tính cả tốc độ sụt lún và nước biển dâng, mỗi năm TP.HCM sẽ ngập - lún khoảng 1,5 cm. Nghĩa là khoảng 30 năm, nhiều điểm - vùng trong TP sẽ nằm dưới mực nước biển.

Vì vậy theo các chuyên gia, quy hoạch - thiết kế không gian đô thị ngay từ bây giờ phải tính tới điều này.
Tận dụng lợi thế sông nước
Một chuyên gia về đường thủy nội địa cho rằng cần phải thay đổi ngay trong tư tưởng quy hoạch đô thị, tận dụng lợi thế sông nước để phát triển giao thông đường thủy, thích ứng với tình trạng ngập lụt trong tương lai. Vùng nào trũng thì để trũng, bới chỗ cao lấp chỗ thấp chỉ khiến tình trạng ngập lụt lan tỏa, trải rộng thêm. Bên cạnh các giải pháp tình thế như bơm, tát nước, phải có kế hoạch khơi lại các dòng chảy đã bị lấp, làm ngay hệ thống xương sống sông ngòi.
Đơn cử, ngay lập tức cần nạo vét thật sâu tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm - Bến Lức, xây kè bảo vệ bờ, vừa “trả lại” các vùng trũng trữ nước cho TP, vừa tạo điều kiện phát triển giao thông thủy.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng lưu ý thêm cần nhanh chóng xây dựng các kịch bản quy hoạch giao thông thủy trong tương lai vì việc xây dựng hệ thống đê bao, ống cống hộp, cống ngầm rất có thể sẽ ảnh hưởng đến phát triển giao thông thủy của TP.
Những đô thị vệ tinh kiểu sông nước
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trên thế giới, Venice nổi tiếng là TP của kênh rạch với phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy. TP.HCM cũng sở hữu hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng không thể giống Venice vì họ đã được quy hoạch ngay từ đầu, còn hệ thống giao thông chủ đạo của TP.HCM vẫn là đường bộ. Tuy nhiên, trước kịch bản TP sẽ chìm dần trong tương lai 50 - 100 năm, cần có những quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và hoàn toàn có thể tính đến việc “biến” các vùng trũng tại TP thành những đô thị vệ tinh kiểu sông nước như Venice.
Ông Sơn cho rằng, TP.HCM đang phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm bao gồm khu lõi và các khu vệ tinh. Lấy trung tâm TP.HCM làm lõi thì cần phát triển đô thị về mọi phía, bao gồm cả phía biển. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị về phía biển không phải đơn giản, có những đặc thù riêng. Đơn cử, càng về phía đất thấp, quy hoạch càng phải tăng diện tích cây xanh, giữ lại nhiều diện tích mặt nước và hạn chế diện tích đô thị. Tức là, các vùng đất thấp vẫn cho phép phát triển đô thị nhưng yêu cầu phải dành ít nhất 50% diện tích cho cây xanh và mặt nước, như vậy mới có thể phát triển bền vững. “Khi phát triển vùng đất thấp, phải quy hoạch phát triển giao thông thủy. Khu nam TP hiện nay đang phát triển về hướng biển, trong quy hoạch cũng đã có thiết kế tính toán việc kết nối bằng giao thông thủy đến trung tâm. Nếu TP thực hiện đúng theo quy hoạch, quan tâm phát triển đường sông thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho đường bộ hiện tại cũng như giao thông TP trong tương lai” - ông Sơn nhấn mạnh.
Bàn về ý tưởng biến khu nam thành đô thị vệ tinh sông nước, KTS Nguyễn Ngọc Dũng khuyến nghị nên mở rộng lộ giới, tính toán hệ thống nước sẽ nâng bao nhiêu, từ đó tăng cường đào thêm kênh để kết nối, tạo thành một mạng lưới kênh chằng chịt. Bên cạnh đó, các cầu xây trên sông, kênh, rạch phải có tính toán, thiết kế tĩnh không cao, tạo điều kiện cho tàu thuyền đi lại dễ dàng.
Ông Sơn cũng lưu ý, trong thời điểm hiện tại, phải cải thiện giao thông đường bộ thật tốt thì mới có thể kết nối, phát triển giao thông thủy. Phải cùng lúc thực hiện 2 hướng đi. Thứ nhất, cải thiện môi trường nước các con sông, kênh. Thứ hai, khuyến khích du lịch đường sông để tạo được các tuyến đường sông chạy thường xuyên. Xây dựng các bến dừng, không chỉ là điểm đầu và cuối mà phải dừng nhiều điểm. Đơn cử, từ bến Bạch Đằng lên Thanh Đa, có tuyến tốc hành, ít dừng nhưng cũng phải có tuyến chạy khoảng 2, 3 ô phố dừng
1 lần. Như vậy mới thật sự là phục vụ giao thông. Ông Sơn lưu ý, những điểm dừng phải kết nối với điểm đến hấp dẫn, hoặc ít nhất phải kết nối với bến xe buýt, bãi đậu xe. “Quan trọng nhất phải tính toán phương tiện trung chuyển, kết nối giữa bến thủy đến các khu văn phòng, trường học, bệnh viện... sao cho thuận tiện nhất mới có thể thu hút người dân sử dụng giao thông thủy”, KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế.
Thách thức của TP.HCM trong 50 - 60 năm tới
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10 cuối tháng 8 vừa rồi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang tiến hành quan trắc điều kiện thổ nhưỡng, nền đất tại 17 điểm trên địa bàn TP. Dù các trạm quan trắc chưa phủ hết diện tích TP nhưng theo số liệu thu thập về thì điểm nào cũng sụt lún liên tục. Đáng chú ý, có 2 điểm lún sâu nhất - hơn 30 cm trong 10 năm. “Nếu ở những vùng lún 1 cm/năm, đồng thời cộng hưởng với nước biển dâng 0,5 cm/năm, cộng lại 1,5 cm/năm, như vậy sau 30 năm, độ chênh giữa mặt đất và nước biển lên tới 45 cm thì vấn đề hết sức cấp bách. Lúc đó tất cả các cống ở TP sẽ không chảy được nữa và đều nằm dưới mực nước biển. Đây là thách thức vô cùng lớn của TP trong 50 - 60 năm tới”, ông Nhân lo lắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.