'Giải cứu' thịt heo: Phải sòng phẳng với người tiêu dùng

03/05/2017 13:12 GMT+7

Giá thịt heo rớt mạnh, 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao và nhiều ngành đã cam kết tham gia 'giải cứu', hỗ trợ tiêu thụ.

Nhưng trên thực tế, giá thịt heo ở nhiều chợ tại miền Trung vẫn không giảm khiến người tiêu dùng chưa “mặn mà”, thậm chí nghi ngờ lợi nhuận chảy vào túi của tiểu thương.
Tiếp tay cho “đầu nậu”?
Theo dõi nhiều ngày liền tại kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay, tại khu vực bán thịt heo ở chợ đầu mối Hòa Cường (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, Đà Nẵng), thịt heo các loại tràn ngập gian hàng nhưng sức mua vẫn ở mức trung bình. Bà Nguyễn Thị Thới (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) sau khi dạo một vòng chợ đã bình luận: “Thịt nhiều nhưng giá bán vẫn như ngày thường. Tôi nghe có các chương trình giải cứu, vận động mua thịt heo giúp người chăn nuôi, định mua ủng hộ nhưng thấy giá bán không khác với mọi ngày”. Bà Thới băn khoăn, nếu mình mua thịt heo với tính chất “giải cứu” thì thực chất mình đang giải cứu ai, hay đang tiếp tay với “đầu nậu”, tiểu thương ép giá người chăn nuôi. “Và liệu có phải là cầm đèn chạy trước ô tô hay không trong khi trên thực tế, lợi nhuận từ ý thức giải cứu không đến được với người chăn nuôi”, bà Thới do dự.
Đúng là tại chợ Hòa Cường và cả chợ Nguyễn Tri Phương (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu), giá thịt ba chỉ, thịt mông, thịt sườn… vẫn “đứng” ở mức 90.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại. Các bà nội trợ khi đi chợ vẫn tìm đến các quầy hàng thịt heo trước tiên, vì nghe nói thịt heo đang rẻ, nhưng trên thực tế bảng giá vẫn như ngày thường. Tiểu thương Nguyễn Thị Đích, bán thịt heo tại chợ đầu mối Hòa Cường, nói chắc nịch: “Giá thịt heo vẫn y trước đây, đi quầy nào cũng vậy thôi”.
Sáng 2.5, tại chợ Nguyễn Tri Phương, khi PV Thanh Niên ghé vào một hàng thịt heo hỏi mua, người bán hàng vẫn đưa ra mức giá cũ, nghĩa là 90.000 đồng cho 1 kg thịt ba chỉ nách. Phải đến khi người mua hỏi về việc giá heo đang giảm mạnh, người bán mới chịu… giảm 10.000 đồng/kg đối với từng loại thịt khác nhau. “Nếu có chương trình giải cứu thịt heo nên được ngành công thương triển khai đồng loạt tại các chợ và quản lý rõ ràng. Chứ kêu gọi giải cứu rất chung chung để huy động người dân đi mua với giá cao thì không sòng phẳng với người tiêu dùng mà lại mang lợi cho người buôn, chứ chẳng đến được với người chăn nuôi”, ông Trần Văn Hồng (P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) phân tích.
Các siêu thị lớn ở Đà Nẵng như Metro, Big C... chưa thấy triển khai chương trình nào về việc “giải cứu” thịt heo. Tuy nhiên, dịp lễ này, người tiêu dùng đến siêu thị Metro (Đà Nẵng) chọn mua thịt heo đông hơn ngày thường. “Thịt ở đây nhìn tươi ngon, tin tưởng nguồn gốc. Đặc biệt giá chỉ 69.000 đồng mỗi ký, vẫn rẻ hơn so với chợ truyền thống nên tôi mua nhiều, để dành cho gia đình ăn dịp lễ”, chị Đinh Thị Ánh Minh (P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu) nói.

tin liên quan

Quân, dân cùng giải cứu thịt heo
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước đang có gần 3 triệu hộ nuôi heo nhỏ lẻ đối mặt với khó khăn rất lớn khi giá heo xuống thấp nhất trong lịch sử của ngành chăn nuôi này.
Nhiều nơi giá “không đổi”
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, xác nhận theo khảo sát mới nhất của chi cục, giá thịt heo trên thị trường Quảng Bình vẫn không thay đổi. “Tại Quảng Bình, do đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ từ chăn nuôi cho đến buôn bán cho nên không bị tác động nhiều như các tỉnh, thành khác. Hiện đơn vị tiếp tục tìm hiểu để có phương án đảm bảo ổn định thị trường”, ông Đạt nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại địa bàn H.Lệ Thủy, giá bán vẫn ở tầm trên dưới 70.000 đồng/kg thịt. Nhiều người dân đặt nghi vấn “thấy báo chí nói giá heo hơi xuống thấp mà giá heo thịt bán ra vẫn giữ nguyên”, nhưng họ chỉ nhận được phản hồi chung chung từ phía tiểu thương và chủ lò mổ, rằng mua từ nguồn heo nhà nên giá không đổi, giá có thể “xuống” đối với các trại heo lớn. Trong khi đó, một số người nuôi heo tại Quảng Bình cho hay cứ mỗi con bán ra, họ vẫn ôm khoản lỗ gần 1 triệu đồng.
Ở Quảng Nam, người nuôi nhỏ lẻ cũng than phiền “khó sống”. Gia đình anh T.P.X (ở xã Điện Thắng Bắc, TX.Điện Bàn) nhiều năm nay nhờ nuôi heo mà khấm khá. Tuy chỉ nuôi mỗi lứa 15 - 20 con, nhưng nhờ giá cả ổn định nên gia đình cũng có tích lũy. Riêng năm nay, chuyện nuôi heo trở thành nỗi ám ảnh đối với anh X. khi đàn heo đã tới kỳ xuất bán nhưng thương lái chê ỏng chê eo, còn giá heo hơi thì liên tục giảm. Hơn nửa tháng trước, giá heo còn dừng ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg hơi, nay thương lái chỉ trả chưa đến 32.000 đồng/kg hơi, tùy theo heo F1, F2.
Một người chuyên mua heo trên địa bàn TX.Điện Bàn cho biết tại Quảng Nam phần lớn người nuôi heo với quy mô nhỏ lẻ, lấy công làm lời nên chi phí nuôi cao. Ngược lại, giá heo có nguồn từ các tỉnh phía nam tràn ra bán chỉ từ 27.000 - 28.000 đồng/kg cũng gây áp lực kéo giá heo hơi ở Quảng Nam sụt giảm nhanh chóng. Heo hơi rớt giá, người chăn nuôi chịu thiệt, nhưng khi heo thịt ra đến quầy thì lại tăng, hoặc không chịu giảm. Tại các chợ vùng quê Quảng Nam, giá thịt heo vẫn đang duy trì mức bán 85.000 - 90.000 đồng/kg thịt. Như vậy, đã có một “khoảng trống” nhất định giữa người chăn nuôi với người mua, và cả hai đối tượng này đều chưa được hưởng lợi. “Tình hình như thế này, những hộ nuôi heo nhỏ lẻ khó mà sống nổi. Ai may mắn bán ra không lỗ đã mừng lắm rồi”, một hộ nuôi heo ở TX.Điện Bàn than phiền.
Thừa Thiên-Huế: Tư thương ngại chủ lò
Riêng tại Thừa Thiên-Huế, giá thịt heo ở các chợ đầu mối, chợ lớn đã xuống thấp hơn so với cách nay chừng nửa tháng (thịt mông khoảng 50.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 70.000 đồng/kg, xương 40.000 đồng/kg...), nhưng ngược lại, người kinh doanh thịt heo vẫn gặp khó khi sức mua cầm chừng.
Thậm chí, tư thương ở Huế đang lo không chủ động được giá, kể cả khi giá thịt tăng lại tại địa bàn này. “Những lúc này rất cần vai trò điều tiết và bình ổn giá của nhà nước, nhất là tránh sự lệ thuộc và bị thị trường Trung Quốc thao túng, ép giá. Người chăn nuôi, lẫn bán buôn lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay là do năm 2015 Trung Quốc nhập giá thịt heo cao, mình nuôi nhiều, nay họ ngưng thì cung vượt cầu. Đây là bài học cho ngành chăn nuôi và những cơ quan bình ổn. Mình mong là tình trạng này không lặp lại”, chị Nguyễn Thị Dương, chủ trang trại chăn nuôi kiêm môi giới thức ăn gia súc, gia cầm ở H.Phú Lộc chia sẻ.
Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.