Rẻ nhất thế giới, heo vẫn ế

25/04/2017 07:27 GMT+7

Đó là nghịch lý, nghịch cảnh của ngành nuôi heo trong nước được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường với doanh nghiệp chăn nuôi, diễn ra ngày 24.4, tại Hà Nội.

Theo ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty chế biến Nam Hà Nội, ở vùng chăn nuôi lớn nhất miền Bắc, xã Ngọc Lũ (H.Bình Lục, Hà Nam), nhiều đàn heo quá lứa, mỗi con nặng 1,2 - 1,5 tạ, giá bình quân 1,5 triệu đồng/con mà không có người mua. Nếu tính ra, giá heo VN có lẽ rẻ nhất thế giới. Còn tại Hà Nội, để hỗ trợ người chăn nuôi heo, doanh nghiệp (DN) này đang mua heo to, khoảng 1,2 tạ/con là 23.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với mặt bằng chung của thị trường.
Trong điều kiện bình thường, lượng thịt heo tiêu thụ bình quân của VN ở mức thấp so với bình quân của thế giới. “Giá thịt heo giảm mạnh là loại chăn nuôi công nghiệp nhưng đối với thịt heo sạch, chăn nuôi an toàn thì giá cao và ổn định. Vì vậy, ngành chăn nuôi phải định hướng người dân đầu tư nuôi heo sạch”, ông Dũng góp ý.
Nông dân thiếu thông tin
Ông Phạm Văn Học, Phó giám đốc Công ty CP Tập đoàn DABACO VN, cho rằng tình trạng heo dư thừa hiện nay có nguyên nhân nông dân thiếu thông tin cảnh báo. Năm 2016 khi heo tăng đàn quá nóng, nhiều DN chăn nuôi cũng nhận định năm 2017 là năm rất khó khăn, giá sẽ giảm nên chủ động tái cơ cấu. Nhưng trong dân thì không được cảnh báo đầy đủ thông tin về thị trường. “Dù Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi nhiều lần cảnh báo nhưng về đến địa phương trực tiếp là những người nông dân thì thông tin cảnh báo mơ hồ, thậm chí là không có. Cần thiết phải có công cụ thông tin cảnh báo trực tiếp đến người nông dân”, ông Học nói.
Cũng tại hội nghị, nhiều DN chăn nuôi chia sẻ chính sách giảm giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhưng tỷ lệ giảm chỉ ở mức thấp với 5 - 7%, còn lại phần lớn ý kiến từ các DN chỉ là xem xét và hứa hẹn.
Trước các thông tin nêu trên, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN, bày tỏ qua điểm giá heo xuống đáy, DN TĂCN nên có trách nhiệm hỗ trợ sâu hơn. Giá TĂCN hiện nay vẫn khoảng 9.000 đồng/kg, để sản xuất 1 kg thịt thì cần tới 4 kg thức ăn, nhưng giá heo bán trên dưới 25.000 đồng/kg thì người chăn nuôi thua lỗ nặng. Chính phủ từ hàng chục năm nay quá ưu ái cho DN sản xuất TĂCN khi giảm nhiều loại thuế.
Chế biến chỉ kho - luộc, thịt heo còn dư thừa
Đại diện Hiệp hội TĂCN VN cho rằng thực tế ngành thịt heo còn bất cập, giá heo hơi giảm xuống đáy mà giá thịt ngoài thị trường vẫn không đổi, chênh lệch rất lớn. Thương lái và trung gian lãi lớn chỉ có người chăn nuôi thua lỗ. Trong câu chuyện này, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xem xét lại trách nhiệm của Bộ Công thương trong tổ chức thị trường. Ngay ở thị trường xuất khẩu thịt heo vẫn còn nhiều bất cập, tại sao thị trường nước ngoài ngoài Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á như Singapore, Brunei, Nhật Bản... mỗi năm nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn, nhưng nhiều năm rồi VN không bán được heo vào đây.
Chia sẻ tại cuộc gặp, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân thịt heo dư thừa hiện nay là do trong khoảng 10 năm qua, ngành này tăng trưởng hơn 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên tới 5,4 triệu tấn và hiện tại là 30 triệu con heo thịt và 4,2 triệu heo nái. Cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn có nhiều thay đổi, trước đây thịt heo chiếm phần lớn thực phẩm trong bữa ăn thì nay người dân có thêm nhiều thực phẩm khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ thịt heo. Nguyên nhân thứ 2 là tổ chức sản xuất, thị trường chăn nuôi đang có vấn đề. Cả nước có khoảng 3 triệu hộ nuôi heo nhỏ lẻ, cung cấp 55% đàn heo thịt mà không tổ chức theo chuỗi thì chi phí sản xuất cao, nhiều rủi ro. Nhiều khâu chăn nuôi đều bị cắt khúc, dẫn tới sản xuất không kết nối được với nhu cầu tiêu dùng, không theo chuỗi kiểm soát an toàn dịch bệnh, không thể xúc tiến làm thị trường là vấn đề khó nhất hiện nay.
Về dài hạn, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng chăn nuôi heo phải tái cơ cấu theo hướng sắp xếp các nông hộ nhỏ chăn nuôi thành từng đội, nhóm, mở hợp tác xã dịch vụ chọn liên kết với DN chế biến, tiêu thụ tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Ông Cường nhấn mạnh chế biến thịt heo cũng là khâu yếu nhất, chỉ có một số DN đi vào chế biến sâu, còn lại chủ yếu bán tươi là chính. “Chế biến thịt heo chỉ luộc, kho, trong khi nhu cầu tiêu thụ nhóm dân số trẻ rất đa dạng là dăm bông, xúc xích thì không có nhiều DN làm. Nếu không chế biến sâu được, vẫn làm theo cách truyền thống thì sẽ còn lặp lại tình trạng thịt heo dư thừa”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường nhận xét tình thế của ngành chăn nuôi đang cần DN “xúm vào” hỗ trợ. Theo đó, rà soát toàn bộ quy trình quản lý sản xuất để có chính sách giảm giá nguyên liệu đầu vào của chăn nuôi, đặc biệt là nhóm TĂCN và thú y. Các DN có năng lực và công nghệ chế biến tăng lượng thu mua giết mổ, cấp đông tạm trữ hoặc đưa vào chế biến sâu để giúp giá thịt heo bình ổn trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.