‘Giải phóng’ nợ xấu, thông vốn cho kinh tế

Theo các chuyên gia, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nếu được thông qua sẽ tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong xử lý nợ tồn đọng nhiều năm nay trong hệ thống ngân hàng.

Mất 3 - 7 năm cho một khoản nợ
Ông P., phó phòng xử lý tài sản của một ngân hàng (NH) thương mại cổ phần kể đã theo đuổi một vụ nợ xấu ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM 3 năm nay vẫn chưa xử lý xong. Từ năm 2014, người vay không trả được nợ, NH đưa ra tòa. Năm 2015, tòa xử NH thắng kiện. Đến tháng 12.2016 có quyết định kê biên, định giá đấu giá 2,55 tỉ đồng, một khách hàng chịu mua với giá 2,6 tỉ đồng, và đã chuyển tiền cho bên thi hành án. Nhưng sau đó, chủ nhà quay ngược gây áp lực không chịu giao nhà và gửi đơn khiếu nại.

tin liên quan

Quyết xử lý 'cục máu đông' nợ xấu
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa mở rộng đường xử lý dứt điểm khoảng 500.000 tỉ đồng nợ xấu tồn đọng, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.
“Khi đã có đơn khiếu nại thì không thể nào cưỡng chế để giao cho người mua, vì theo quy định mọi hoạt động thi hành án sẽ dừng lại để giải quyết cho xong khiếu nại. Đã 5 tháng rồi, tiền treo ở thi hành án, người mua nhà thì lo lắng bất an, NH thì lực bất tòng tâm bởi con nợ không hợp tác thì vô phương xử lý”, ông nói.
Ông P. cho biết, trước năm 2015, theo quy định phải đình án vì không xác định được nơi cư trú của người vay. Đến nay đã cho xử vắng mặt, nhưng cứ đến giai đoạn kê biên tài sản là người vay quay lại khiếu nại, để đóng được hồ sơ phải mất ròng rã tối thiểu 2 năm trời, còn thông thường là 2 - 3 năm trở lên.
Xử lý nợ xấu không chỉ dừng lại ở thu nợ mà có những khoản không còn khả năng thu thì phải thừa nhận nó không còn nữa để chấm dứt tình trạng nợ
Ông Nguyễn Duy Hưng, chuyên gia kinh tế

Vừa dự một phiên tòa giải quyết tranh chấp về việc khách hàng không chịu trả nợ cho NH trong ngày 24.5, giám đốc xử lý nợ đặc biệt của một NH cổ phần chia sẻ: “Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết để cơ chế xử lý tài sản đảm bảo khoản vay được rõ ràng hơn, các cơ quan ban ngành tham gia đồng bộ, lúc đó nợ xấu mới xử lý được”. Theo vị giám đốc này, khi rơi vào nợ xấu, có đến 98% khách hàng vay không chịu bàn giao tài sản để trả nợ. NH phải tìm đến con đường khởi kiện ra tòa rồi thi hành án, phát mãi tài sản... Trường hợp người vay không có sự can thiệp, chống đối mạnh cũng mất khoảng 3 năm để xử lý hồ sơ. Còn trường hợp khách hàng chây ì thì mất đến 5 năm vẫn chưa giải quyết được.
Tính đến đầu năm 2017, toàn hệ thống NH đã xử lý được 616.700 tỉ đồng nợ xấu, trong đó hình thức bán, phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức thấp, chỉ 17.100 tỉ đồng, chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý. Theo NH Nhà nước, thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả. Thời gian giải quyết tại tòa khoảng 400 ngày nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ. Trong khi đó, pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: ở Mỹ, việc xử lý tài sản đảm bảo rất nhanh. NH thường rao bán tài sản bằng giá trị món nợ cộng với 1 USD. Còn nếu định giá thấp hơn giá món nợ, NH sẽ sở hữu để bán, cho thuê... mà không cần ra tòa. Trong trường hợp giá trị tài sản bảo đảm xuống quá thấp, mà người đi vay còn có tài sản khác, NH kiện ra tòa để tòa phán quyết, đảm bảo quyền lợi đôi bên. Ở VN, dù ra tòa nhưng khách vay không hợp tác thì cũng đành chịu và mất rất nhiều thời gian.
Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép NH được quyền bán nợ xấu, tài sản đảm bảo theo giá thị trường, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ; NH được quyền thu giữ tài sản đảm bảo; tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo...
Chuyên gia Nguyễn Duy Hưng cho rằng việc ban hành nghị quyết này là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Dự thảo đã đưa ra được những vấn đề, khó khăn, vướng mắc mà thực tế các NH khi xử lý nợ xấu đã gặp phải. Tuy nhiên, để nghị quyết phát huy tác dụng, các NH cần công khai tình trạng nợ xấu, phân loại nợ xấu một cách rõ ràng vì mỗi loại nợ xấu có những cách giải quyết khác nhau. “Xử lý nợ xấu không chỉ dừng lại ở thu nợ mà có những khoản không còn khả năng thu thì phải thừa nhận nó không còn nữa để chấm dứt tình trạng nợ”, ông Nguyễn Duy Hưng nói. Cũng theo chuyên gia này, thị trường mua bán nợ chưa được tạo lập, các nhà đầu tư mua nợ chưa coi mua bán nợ là một cơ hội đầu tư, khi quyền chủ nợ của NH còn chưa được bảo đảm trên thực tế thì ít ai dám mua nợ để kế thừa các quyền “khó khả thi” này.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng nghị quyết đưa ra vào thời điểm này là tốt và hoàn toàn đúng. Trường hợp nghị quyết được thông qua và đi vào thực tế sẽ có những vấn đề còn mới, chưa quen nên nhiều con nợ phản ứng. Tuy nhiên, quy trình qua tòa sẽ được rút gọn lại và vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương tham gia vào việc xử lý tài sản nợ của phía NH sẽ giúp xử lý nhanh hơn. Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận xét dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu có một nội dung quan trọng nổi bật là cho phép thanh lý tài sản dưới giá sổ sách. Điều này giải tỏa được nỗi lo trách nhiệm, đặc biệt ở khối NH thương mại nhà nước. Trước ý kiến NH đi “siết nhà” là không nhân văn, chuyên gia này cho rằng người vay phải chấp nhận theo cơ chế thị trường, không trả được nợ thì phải bán tài sản để trả nợ. Còn phía NH, một trong những khâu quan trọng là thanh lý tài sản phải minh bạch, tránh việc bán thấp, “cướp” tài sản khỏi tay người vay. NH phải thu đúng khoản nợ, phần chênh lệch còn lại trả cho người vay.
Nhấn mạnh hơn nữa, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng quyền của người gửi tiền là quyền tối thượng. Các chính sách đưa ra cần tôn trọng quyền của NH bởi nó gắn chặt quyền của người gửi tiền. Xử lý nợ xấu cũng nhằm bảo vệ người gửi tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.