Giới công nghệ Mỹ 'đứng ngồi không yên' vì cải cách visa của Tổng thống Trump

06/02/2017 21:40 GMT+7

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đấu tranh cho sắc lệnh cấm di trú của mình tại tòa án, ngành công nghệ Mỹ chuẩn bị tinh thần cho một sắc lệnh khác có thể khiến hoạt động của họ trở nên khó khăn.

Theo CNN, một bản dự thảo đề xuất được lưu hành trong vài tuần qua có thể tác động đến một loạt thị thực, bao gồm visa H-1B, visa cho khách du lịch kinh doanh, visa đầu tư. Hiện kế hoạch của Nhà Trắng về một sắc lệnh mới chưa rõ ràng, song thị thực vẫn là chủ đề được ưu tiên cao trong cộng đồng công nghệ Mỹ.
Chương trình thị thực H-1B đặc biệt gần gũi với giới công nghệ. Đây là con đường phổ biến giúp người nước ngoài có tay nghề cao vào làm việc tại doanh nghiệp Mỹ. Nhiều kỹ sư giỏi ngoại quốc, bên cạnh nhân sự thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như nhà báo, bác sĩ, giáo sư, đều muốn tham gia vào chương trình cấp 85.000 thị thực mỗi năm.
Hơn 50% “unicorn” Mỹ - từ dùng để gọi các công ty tư nhân có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên - có ít nhất một người sáng lập là dân nhập cư, theo Quỹ Quốc gia về chính sách Mỹ. Mỗi người sáng lập này tạo ra khoảng 760 việc làm cho công dân Mỹ.
Bản đề xuất trên giao nhiệm vụ cho Bộ An ninh nội địa Mỹ đưa ra báo cáo trong vòng 90 ngày, xem xét quy định của tất cả chương trình thị thực làm việc, trong đó có H-1B. Mục đích của việc này là để chương trình “hiệu quả hơn”, đảm bảo nhận vào các cá nhân “giỏi nhất và sáng giá nhất”.
Hiện tại, visa đang được cấp theo dạng xổ số và số người nộp xin thị thực tăng lên mỗi năm. Năm 2016, số đơn nộp xin visa lớn gấp ba lần so với hạn ngạch. Manan Mehta, đối tác sáng lập thuộc hãng Unshackled Ventures, cho hay ông lạc quan về quá trình xem xét. 13 trong tổng số 15 công ty nộp đơn xin visa H-1B nhiều nhất là các hãng gia công, loại công ty cung cấp nhân sự cho giới doanh nghiệp Mỹ.
Dù thị thực được dùng để lấp đầy khoảng cách về kỹ năng trong thị trường lao động Mỹ, chính quyền của ông Trump đã và đang lên tiếng về các hoạt động lạm dụng chương trình này. Các hãng gia công “làm ngập” hệ thống xin visa với nhiều ứng viên, xin visa cho lao động nước ngoài và sau đó cung cấp nhân lực cho các hãng công nghệ cao. Họ lấy miếng bánh lớn trong lương bổng nhân viên.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến: lao động nước ngoài là lao động giá rẻ. Dù nhiều hãng gia công có xu hướng trả lương cho người nước ngoài thấp hơn khi thuê họ lấp đầy chỗ trống việc làm Mỹ, các công ty khác dựa vào chương trình visa H-1B thuê tuyển người nước ngoài vì họ cần người tài. Vì thế, họ trả tiền thuê tuyển nhiều hơn.
OfferLetter.io, một startup xem xét các lời mời làm việc, khảo sát 500 vị trí tuyển dụng từ các hãng công nghệ như Google, Twitter và Stripe. Họ nhận thấy rằng những người nhập cư có từ 0 đến 10 năm kinh nghiệm thật ra nhận lương cao hơn 10% so với người Mỹ. Lương bổng chỉ thấp xuống với những người có hơn 10 năm kinh nghiệm.
Nhiều chương trình khác được đề cập trong dự thảo đề xuất cũng quan trọng cho cộng đồng công nghệ. Đơn cử, chương trình J-1 được những người đi làm việc trong mùa hè sử dụng và chương trình OPT thì được sinh viên quốc tế sử dụng nếu họ muốn ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Lần gần nhất hai chương trình trên được xem xét, chỉnh sửa là dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài ra, dự thảo đề xuất mới cũng nhắc đến loại thị thực đầu tư E-2.
Dự thảo đề xuất đặc biệt kêu gọi kiểm soát kỹ visa L-1, vốn được trao cho lao động nước ngoài di chuyển đến làm việc tại Mỹ từ một công ty nước ngoài. Theo đó, tất cả những người có thị thực L-1 đều sẽ phải gặp giới chức Bộ An ninh nội địa Mỹ.
Matthew Dunn, một đối tác về nhập cư kinh doanh tại hãng Kramer Levin, cho biết ông nhận được email và cuộc gọi “từng phút” từ khách hàng đến từ doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng, bệnh viện. Tất cả họ đều đang lo lắng về một sắc lệnh mới. Ông cho hay mình lo lắng về bất kỳ đợt làm khó tài năng nước ngoài nào, đặc biệt là nếu các chương trình như H-1B và OPT giảm hạn ngạch cấp visa: “Chúng ta sẽ mất rất nhiều doanh nhân trong tương lai, những người có thể tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.