Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup), cho biết tháng 9.2016, Tập đoàn Vingroup công bố khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết bước đầu với các hợp tác xã và hộ sản xuất.
Chỉ sau 6 tháng triển khai, chương trình nhận được 2.000 đơn đăng ký. Sau khi đánh giá, sàng lọc, VinEco đã ký kết hợp đồng với 500 hộ ở tỉnh Lâm Đồng, miền Tây và một số tỉnh ở miền Bắc như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương... để sản xuất theo chương trình liên kết. Mỗi hộ liên kết được VinEco hỗ trợ vay một khoản tiền không lãi suất để đầu tư nhà kính, hệ thống tưới tự động...
“Đến nay có 300 hộ sản xuất rau, nấm, gạo, trái cây cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường. Chương trình vẫn tiếp tục lan tỏa, nhận đăng ký của các hộ để mở rộng quy mô lên 1.000 hộ sản xuất trên cả nước, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, nông dân cùng hướng tới một nền nông nghiệp sạch”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, sau khi ký kết với các nông hộ, VinEco liên tục tổ chức các khóa đào tạo và hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống. Các nông hộ được các chuyên gia chia sẻ kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cập nhật danh mục các hoạt chất bị cấm trong sản xuất rau và trái cây sạch; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước khi thu hoạch.
Sản phẩm làm ra được VinEco thu mua toàn bộ. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất được công ty kết nối và hướng dẫn làm thủ tục đăng ký VietGap, phổ biến về xu thế tiêu dùng sản phẩm sạch; đồng thời đào tạo và triển khai việc dán mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại smartphone.
Cứ sạch là được bao tiêu
Bà Phạm Thị Thu Cúc, chủ trang trại Rừng hoa Bạch Cúc (Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương, Lâm Đồng), cho biết bà là một trong những người đầu tiên ký kết với VinEco để sản xuất rau sạch. “Từng sản xuất rau sạch và rau thủy canh gần 5 năm nay, nhưng khi liên kết với VinEco thì công nghệ sản xuất rau sạch của tôi được nâng lên 1 bậc, lại còn được hỗ trợ vốn để đầu tư thiết bị sản xuất”, bà Cúc nói và cho biết thêm VinEco đòi hỏi chất lượng rau phải xanh, sạch và đẹp, phải đáp ứng quy chuẩn rất nghiêm ngặt, bù lại họ thu mua sản phẩm giá cao.
tin liên quan
'Rẽ trái' sang làm nông: Trồng rau thủy canhLà thạc sĩ tài chính ngân hàng, đang làm việc ở một chi nhánh ngân hàng tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), anh Nguyễn Văn Dương (38 tuổi) đã chuyển hướng về trồng rau thủy canh với thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng.
Ông Nguyễn Hữu Minh (tổ hợp tác Ổi Minh Thọ, xã Bình Thạnh, H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “VinEco thu mua sản phẩm với giá cả ổn định, làm việc nghiêm túc nên tổ hợp tác chúng tôi rất yên tâm. Vì thế, tôi đã giới thiệu chương trình đồng hành của VinEco tới các hộ trồng xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Bồ (tổ hợp tác Thiên Phú)”. Còn anh Trần Thiện Thanh, ở HTX Thiện Thanh (Lâm Đồng), cho biết trước đây anh sản xuất rau theo thói quen, không kiểm soát, không có đối tác để tiêu thụ, thương lái thu mua rau với mức giá biến động. Nay liên kết với VinEco sản xuất có kế hoạch, theo khuôn khổ, buộc tuân thủ các quy định về thuốc bảo vệ thực vật và ghi lại nhật ký sử dụng và được bao tiêu sản phẩm. Tất cả những điều đó làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và cả lợi ích của mình.
GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật VN, nhận xét dù còn những khó khăn, nhất là về vốn đầu tư lớn, nhưng với sự đồng hành của các doanh nghiệp như VinEco vừa hỗ trợ hộ sản xuất về vốn vừa giúp tiếp cận với các công nghệ sản xuất hiện đại của Israel, thì nông dân VN hoàn toàn có thể áp dụng vào điều kiện thực tế và sản xuất ra nông sản sạch không hề thua kém gì Israel.
Ngay trong hội thảo, Công ty VinEco đã phát động tháng “Tôi chọn nông sản sạch” nhằm lan tỏa tinh thần sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp sạch đến đông đảo người tiêu dùng, qua đó góp phần xây dựng và phát triển tư duy sản xuất nông nghiệp sạch tại VN.
|
Bình luận (0)