Hội tụ kinh tế xanh - tri thức ở đặc khu Vân Đồn

07/02/2018 08:00 GMT+7

Nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới, với các lợi thế hiện có, Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ trở thành đặc khu phát triển kinh tế tri thức - kinh tế xanh.

Nghiên cứu về các đặc khu khác có tính cạnh tranh trong bán kính 5 giờ bay (bao gồm cả Bắc Vân Phong và Phú Quốc của Việt Nam) cho thấy, nếu chỉ phát triển du lịch, Vân Đồn sẽ không có điểm nổi trội để cạnh tranh với các đặc khu đã hình thành và phát triển rất tốt như Jeju (Hàn Quốc), Hải Nam (Trung Quốc), Mandalika (Indonesia)... cũng như không thể cạnh tranh được với các đặc khu như Singapore, Incheon (Hàn Quốc), Chu Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc)...
Vậy nên, Vân Đồn đã rất kịp thời xác định cho mình một nền kinh tế tri thức, kết hợp ba mũi nhọn gồm: du lịch, văn hóa cao cấp; dịch vụ hiện đại và công nghiệp công nghệ cao.
Sẽ có gì ở đặc khu Vân Đồn ?
Theo đề án, kinh tế du lịch, văn hóa cao cấp được xác định là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển tại đặc khu Vân Đồn. Mục tiêu của ngành đặt ra là phải làm tăng thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch cao cấp khi đến với đặc khu. Để đạt được điều đó, Vân Đồn sẽ phải cung cấp cho du khách những trải nghiệm cá nhân hết sức độc đáo; những dịch vụ du lịch cao cấp đi liền với chăm sóc sức khỏe; khu dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có casino, trung tâm giải trí có thưởng quốc tế, sân golf…
Thực tế cho thấy: việc sử dụng các sản phẩm du lịch cao cấp, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng không thể tách rời các dịch vụ hiện đại. Chúng luôn đi liền với nhau, tạo thành một chuỗi giá trị gia tăng khép kín.
Vì vậy, lĩnh vực ưu tiên thứ hai được đặc khu Vân Đồn xác định là ngành nghề kinh doanh các dịch vụ hiện đại, bao gồm kinh doanh cảng hàng không, cảng biển và dịch vụ tài chính, thương mại… Đây được coi là những lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn do địa phương này đã và đang có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và cảng biển tổng hợp Hòn Nét - Con Ong.
Thứ ba là các ngành công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Vân Đồn sẽ phát huy tối đa các lợi thế của mình để thử nghiệm mô hình năng lượng sạch, công nghệ xanh, công nghệ cao và từ đó nhân rộng ra cả nước. Các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, tự động hóa hay trí tuệ nhân tạo… sẽ giúp tăng cường hình ảnh một thành phố xanh sạch, hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp.
Với hướng ưu tiên phát triển kể trên, theo tính toán, đến năm 2030, đặc khu Vân Đồn sẽ đạt thu ngân sách trên 53.000 tỉ đồng, gấp 10 lần số thu nếu Vân Đồn không phát triển thành đặc khu.
Hội tụ đủ điều kiện để đón đặc khu
Bắt tay vào xây dựng đề án từ năm 2012, có thể nói từ rất sớm Quảng Ninh đã dồn nguồn lực để chuẩn bị đón đặc khu Vân Đồn.
Báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn cho biết, chỉ trong vòng 3 năm 2015 - 2017, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút khoảng 36.000 tỉ đồng đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối đến Vân Đồn: Dự án tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25 km, tổng mức đầu tư trên 13.600 tỉ đồng, dự kiến thông toàn tuyến vào quý 1/2018; Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6 km, tổng mức đầu tư 13.988 tỉ đồng hiện đã đưa một phần vào hoạt động; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, với đường cất hạ cánh dài 3,6 km, đón được các máy bay hiện đại như Boeing 777, 787, A350 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỉ đồng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2018; hoàn thành việc cấp điện cho đảo chính Cái Bầu và 5 xã đảo; xây hồ Lòng Dinh và hồ Đồng Dọng…
Theo TS Ngô Đức Chinh (Đại học Giao thông vận tải): Ở Vân Đồn đang hình thành một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội và ngoại khu mang tính động lực và thiết yếu cho sự phát triển của một đặc khu sắp tới.
“Có sân bay quốc tế Vân Đồn, có đường cao tốc nối liền từ Hà Nội đi Hải Phòng, đến Hạ Long, tới Vân Đồn và kết nối thẳng Vân Đồn với Móng Cái; có cả cảng biển tổng hợp Hòn Nét - Con Ong vận chuyển hành khách và hàng hóa, Vân Đồn đã hội đủ điều kiện về hạ tầng giao thông để có thể phục vụ cho các ngành kinh tế xanh - tri thức như định hướng phát triển”, TS Chinh khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Chinh, để tăng thêm lợi thế cạnh tranh về giao thông với các đặc khu khác, Vân Đồn cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng hệ thống giao thông xanh - thông minh của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực nội khu với tầm nhìn hàng trăm năm.
“Sân bay quốc tế, đường cao tốc và cảng biển cần được tổ chức để tương tác và hỗ trợ lẫn nhau một cách tuần hoàn; nhằm góp phần tạo sự liên kết đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy các ngành, các dịch vụ trong đặc khu cùng phát triển. Để làm được điều này, cần phải có một quy hoạch tổng thể và chi tiết cho toàn bộ đặc khu Vân Đồn, quy hoạch đó phải dựa trên triết lý phát triển xanh, bền vững có xét đến các yếu tố về biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, ông Chinh nói.
Được biết, cuối năm 2017 vừa qua, Quảng Ninh đã quyết định lựa chọn đơn vị tư vấn là Công ty Arcadis & Callison RTKL (Mỹ) để xây dựng quy hoạch Vân Đồn.
Về triển vọng của đặc khu Vân Đồn, Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, một chuyên gia đã nhiều năm làm việc trong Ngân hàng Thế giới về các dự án tài chính cơ sở hạ tầng, nhấn mạnh: “Chưa cần phải suy tính gì đến các dự án xa xôi, chỉ riêng việc Vân Đồn có sân bay quốc tế, có đường cao tốc, có cảng biển rồi có cả casino cùng với đó là nghị định mới về việc cho phép người Việt được vào chơi ở casino… là đã nhìn thấy được tương lai tươi sáng của đặc khu này rồi”. Tuy nhiên, điều làm cho ông Vinh thấy phấn khởi nhất đó là một thể chế cho đặc khu mang tính cạnh tranh vượt trội.
       
Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh: “Việc mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập hẳn một ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đặc khu mà trong đó chính Thủ tướng làm trưởng ban, là điểm mấu chốt nhất. Nó không những cho thấy quyết tâm của các cấp cao nhất trong việc xây dựng đặc khu mà còn mang lại niềm tin cho tất cả những ai quan tâm đến đặc khu!”.

       
TS Ngô Đức Chinh: “Vân Đồn đã hội đủ điều kiện về hạ tầng giao thông để có thể phục vụ cho các ngành kinh tế xanh - tri thức như định hướng phát triển. Để tăng thêm lợi thế cạnh tranh về giao thông với các đặc khu khác, Vân Đồn cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng hệ thống giao thông xanh - thông minh của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực nội khu với tầm nhìn hàng trăm năm”.
Vân Đồn là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc, diện tích 2.171,33 km2, thuộc quần thể Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long. Nơi đây có điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng; có tài nguyên du lịch đặc sắc và nhiều cảnh quan đẹp, với Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản thứ 38 của ASEAN. Môi trường trong lành, chưa bị tác động nhiều bởi các yếu tố con người. Vân Đồn còn là một trong những cái nôi của người Việt cổ với các nền văn hóa như: Soi Nhụ, Cái Bèo và Hạ Long; có hàng chục di tích lịch sử: thương cảng Vân Đồn (được vua Lý Anh Tông lập năm 1149); đình Quan Lạn, đền thờ vua Lý Anh Tông, đền thờ tướng Trần Khánh Dư, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.