Hướng sản xuất lúa gạo bền vững

22/01/2018 13:00 GMT+7

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững được triển khai thực hiện tại Đồng Tháp đã đem lại những kết quả khả quan, lợi nhuận trồng lúa tăng lên rõ rệt giúp nông dân ổn định cuộc sống và vươn lên khá giả.

Hiệu quả từ cách làm mới
Đồng Tháp là địa phương có thế mạnh về trồng lúa, sản lượng đứng thứ 3 cả nước nhưng thời gian qua đời sống nhiều hộ nông dân vẫn còn khó khăn do giá cả bấp bênh, sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, thiếu liên kết… Trước thực trạng trên, năm 2014, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được chọn để triển khai. Nhiều mô hình sản xuất mới được ngành nông nghiệp phối hợp cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp… hướng dẫn nông dân thực hiện.
Điển hình như GS-TS Võ Tòng Xuân hướng dẫn nông dân H.Tháp Mười áp dụng mô hình canh tác lúa giảm giá thành sản xuất khoảng 600 đồng/kg mỗi vụ so với cách làm cũ; hỗ trợ nông dân Võ Văn Tiếng ở H.Hồng Ngự mở rộng quy mô sản xuất lúa theo hướng hữu cơ từ 1,2 ha năm 2016 lên 60 ha năm 2017; thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ trên diện tích hơn 300 ha ở HTX nông nghiệp Mỹ Đông 2 (H.Tháp Mười); phát triển sản xuất lúa liên kết ở HTX Tân Cường (H.Tam Nông) mang lại hiệu quả cho nông dân với giá bán cao hơn 200 đồng/kg so bên ngoài…
Ông Nguyễn Văn Na, Chủ tịch UBND H.Tam Nông, cho biết để nông dân vươn lên từ cây lúa, huyện đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, khuyến khích bà con thay đổi tập quán canh tác. Qua đó, mô hình “cánh đồng lớn” được xác định là hướng đi triển vọng, bởi thuận lợi trong việc đầu tư hạ tầng, đê bao, sản xuất đồng loạt để giảm chi phí giá thành, thuận lợi trong việc đầu tư khoa học kỹ thuật… Đến cuối năm 2017, toàn huyện có gần 50.000 ha lúa sản xuất theo cánh đồng lớn, chiếm khoảng 70% diện tích. Kết quả cho thấy nông dân làm theo cánh đồng lớn chi phí sản xuất giảm 150 đồng/kg lúa, lợi nhuận tăng thêm gần 1 triệu đồng/ha; tính ra hằng năm nông dân trong huyện tăng thêm được hơn 47 tỉ đồng từ cánh đồng lớn mang lại.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên mặt hàng lúa gạo đã đem lại những kết quả tích cực. Thống kê mới đây cho thấy năm 2017, bình quân lợi nhuận vụ đông xuân đạt hơn 13 triệu đồng/ha (tăng 1,9 triệu đồng/ha); lợi nhuận vụ hè thu đạt 9 triệu đồng/ha (tăng 340.000 đồng/ha); lợi nhuận vụ thu đông gần 11 triệu đồng/ha (tăng 2,3 triệu đồng/ha) so với năm 2016.
Phát huy mô hình liên kết
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, trong hơn 3 năm qua, tỉnh thu hút hơn 166 doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trên diện tích cánh đồng lớn 111.443 ha, sản lượng lúa tiêu thụ qua hợp đồng đạt hơn 562.373 tấn. Song song đó, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng các thương hiệu gạo, như: gạo Nosavina, gạo Kim Trường Xuân, gạo Sếu Đỏ, gạo Hương Tràm, gạo Ramsa… Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp nhằm đưa nông dân trồng lúa vào làm ăn liên kết. Đến nay, đã có 128 HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình “doanh nghiệp - HTX - nông dân”...
Mới đây, trong chuyến công tác ở Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao khi Đồng Tháp phát huy tốt vai trò đầu tàu của doanh nghiệp và đẩy mạnh hình thành các HTX, tổ hợp tác để huy động người dân vào làm ăn hợp tác, từ đó xây dựng được chuỗi giá trị hàng nông sản, nhất là lúa gạo được gia tăng lợi nhuận đáng kể.
Tới đây, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng thu nhập cho nông dân, hướng tới sản xuất lúa gạo bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.