Kiếm hàng trăm triệu đồng từ trồng dừa, trồng sen

22/02/2018 11:34 GMT+7

Cùng xuất thân từ những vùng nông thôn còn khó khăn của tỉnh Kiên Giang, ông Trần Văn Đen và ông Tạ Văn Chung đã mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất mới, trở thành nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Khá lên từ dừa xiêm lùn
Đi giữa những hàng dừa tươi tốt, rợp bóng mát đang cho trái sai trĩu buồng, ít ai nghĩ khu đất này trước đây là vườn tạp, cây dại mọc um tùm. Ông Đen (58 tuổi, ngụ xã Ngọc Thành, H.Giồng Riềng), chủ vườn dừa, cho biết đa phần bà con ở vùng này phá vườn tạp để trồng hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh vì đầu ra thiếu ổn định. Ông không muốn đi theo con đường này nên khi biết mô hình trồng dừa xiêm lùn ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… cho thu nhập khá, ông ấp ủ ý định làm theo.
Năm 2010, ông Đen thuê người cải tạo 2 ha đất vườn trồng 500 cây dừa xiêm lùn xanh và đỏ. Để “lấy ngắn muôi dài”, dưới ao ông thả cá; trên bờ nuôi thêm gà, vịt, heo… Sau 3 năm, dừa bắt đầu cho thu hoạch. Cây to, cây nhỏ đều sai trái, mỗi buồng từ 30 - 40 trái. Ông Đen nhẩm tính với vườn dừa cho trái quanh năm, mỗi cây thu hoạch từ 80 - 100 trái/năm, thương lái đến tận vườn thu mua giá 8.000 đồng/trái, như vậy, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ông Mã Ru Y, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thành, cho biết với hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dừa xiêm lùn của ông Đen, xã đang khuyến khích bà con nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn đã có thêm 5 hộ trồng dừa xiêm lùn cho thu nhập khá. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con có vườn tạp hoặc trồng các loại cây kém hiệu quả phá bỏ để thực hiện mô hình này.
Chuyển đất lúa sang trồng sen
Cũng thay đổi cách sản xuất như ông Đen, ông Tạ Văn Chung (45 tuổi, ngụ xã Bình Sơn, H.Hòn Đất) chuyển diện tích lúa sang mô hình trồng sen lấy gương. Ông Chung cho biết gia đình ông có 18 ha trồng lúa 2 vụ/năm, nhưng năm nào lũ về cũng khiến việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng 5 năm gần đây, hầu hết các vụ hè thu đều không có lãi, thậm chí có năm lỗ vài trăm triệu đồng. Tuy bù lại bằng vụ lúa mùa nhưng “điệp khúc” này cứ kéo dài thì nông dân không thể khá lên được. Vì thế, ông Chung quyết định tìm hướng đi mới, phù hợp với vùng đất ngập lũ và nhiễm phèn bằng mô hình trồng sen lấy gương.
Để chuyển từ đất lúa sang trồng sen, ông Chung đi học hỏi những người có kinh nghiệm ở An Giang, Đồng Tháp, sau đó về đầu tư làm bờ bao trữ nước, chọn giống tốt để tránh rủi ro. Do vốn đầu tư khá cao, khoảng 20 triệu đồng/ha nên bước đầu ông trồng 7 ha. Sau 4 tháng, các cánh đồng sen bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi héc ta ông thu về 5 tấn gương, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí ông còn lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha. Sau thành công từ vụ đầu tiên, ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng sen trên 11 ha còn lại.
Theo ông Chung, trồng sen đem lại nhiều lợi ích cho nhà nông. Trước nhất là ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định và thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Bên cạnh đó, trồng sen giúp cải tạo nguồn nước bị nhiễm phèn và sau 3 năm, nông dân mới phải đầu tư trồng lại. Ngoài nguồn thu nhập khá, nghề trồng sen của ông Chung còn tạo việc làm cho lao động địa phương.
Đến kỳ thu hoạch gương sen, ông thuê khoảng 20 lao động phụ giúp, với thu nhập mỗi ngày từ 200.000 - 300.000 đồng/người.
Nhờ mạnh dạn chuyển diện tích lúa sang trồng sen lấy gương, ông Chung có nguồn thu nhập ổn định Ảnh: Anh Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.