Theo trang Quartz, lục địa già tiến vào năm 2017 trong tình thế không mấy thuận lợi: việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) còn tương đối mới và rắc rối, nhiều nhà băng Ý sụp đổ, hàng loạt cuộc bầu cử khiến các nhà đầu tư lo lắng. Song sau 12 tháng, thành công của kinh tế châu Âu trong năm nay trở thành bất ngờ lớn, thậm chí còn làm bùng nổ hashtag #euroboom.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay đợt phục hồi kinh tế châu Âu mạnh đến mức nó lan ra khắp thế giới, khiến khu vực trở thành động cơ thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng trưởng 2,2% trong năm 2017, nhanh nhất trong một thập niên qua.
tin liên quan
Kinh tế châu Âu đang hướng tới 'giai đoạn vàng'Không những giới giao dịch tiền tệ mà các doanh nhân, doanh nghiệp cũng lạc quan. Chỉ số niềm tin doanh nghiệp trong khu vực đạt mức cao kỷ lục nhiều năm. Ở Pháp, nơi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy cải cách lao động, niềm tin doanh nghiệp đang lên điểm cao nhất từ năm 2007.
Các quốc gia phía nam eurozone cũng đi lên mạnh mẽ kể từ khủng hoảng nợ quốc gia năm 2012, cuộc khủng hoảng kéo theo nhiều gói cứu trợ tài chính quốc tế, và cuối cùng là một gói kích thích tiền tệ lớn chưa từng có từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các nước phía nam eurozone được thay đổi thứ bậc xếp hạng nợ trong năm 2017. Trong tháng 10, S&P bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm của Ý lần đầu tiên trong ba thập niên. Tháng 11, S&P tiếp tục nâng xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha.
Một trong những tín hiệu tươi sáng nhất của eurozone là Hy Lạp. Chỉ hai năm sau ngày gần như bị đẩy ra khỏi eurozone khi cố gắng nhận cứu trợ, Hy Lạp giờ đây trở lại thị trường trái phiếu và được Fitch, Moody’s thăng xếp hạng tín nhiệm. Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cho rằng nợ chính phủ Hy Lạp là một trong các khoản đầu tư dài hạn trong năm 2018.
Đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế thậm chí còn ấn tượng hơn bên ngoài eurozone. Ba nền kinh tế lớn nhất Đông Âu tăng trưởng tốt hơn Đức trong vài năm qua. Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc đang trải qua thời kỳ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát có thể quản lý.
Dù vậy, kinh tế châu Âu vẫn vướng nhiều trở ngại. Hầu hết các nước eurozone vấp phải vấn đề “công ăn việc làm dồi dào, nhưng lương thấp”. Giới phân tích thuộc ngân hàng HSBC cho biết lương bổng cần phải tiếp tục tăng để giữ nhu cầu tiêu dùng đi lên. Ngược lại, các nước Đông Âu lại đối mặt vấn đề tăng trưởng lương bổng quá nhanh vì đợt thúc đẩy tài chính của chính phủ. Hiện tốc độ tăng lương đang vượt quá tăng trưởng năng suất, trở nên quá nóng với nền kinh tế.
Lúc này, những mối lo ngại lớn nhất xuất phát từ chính trị: sự thiếu chắc chắn, việc các đảng cánh hữu và chủ nghĩa dân túy nổi dậy đang khiến giới đầu tư e ngại và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Đức sẽ bắt đầu năm mới 2018 với chính phủ lâm thời, vì bà Angela Merkel đang nỗ lực hình thành liên minh cầm quyền. Điều này cản trở một số nỗ lực cải cách khu vực eurozone. Ở Tây Ban Nha, vùng Catalonia có thể thêm căng thẳng với Madrid vì kế hoạch ly khai. Tại Áo, Ba Lan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên. Tuy nhiên theo trang Quartz, châu Âu vẫn có nhiều lý do và động lực để khởi đầu năm 2018 một cách mạnh mẽ.
Bình luận (0)