Lãi suất huy động 8% gần như chỉ để quảng bá

11/03/2016 21:39 GMT+7

Đó là nhận xét của ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi nói về mức lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng hiện nay.

Đó là nhận xét của ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi nói về mức lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng hiện nay.

Theo ông Bùi Quốc Dũng, trong 2 tháng đầu năm có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2%/năm, 6 TCTD lại giảm bình quân từ 0,1 - 0,3%/năm. Lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Việc tăng lãi suất huy động mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau tết.
Ngoài ra, qua phân tích chỉ số chi phí vốn/thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi. Như vậy, mặt bằng lãi suất không tác động đến chỉ số này. Nhiều người nói, lãi suất huy động và cho vay tăng nhưng quan trọng là yếu tố “net” ở giữa ổn định thì chẳng có lý do gì để nói lãi suất tăng. Có chăng, chỉ là sự chuyển dịch mặt bằng lãi suất giữa các kỳ hạn.
Ông Bùi Quốc Dũng cho rằng thị trường xuất hiện tâm lý lo ngại về mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh là khó thực hiện bởi những yếu tố vĩ mô như: lạm phát năm nay dự kiến 3-4% (trong khi năm 2015 lạm phát là 0,6%), dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7% (cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68 của năm 2015) sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn. Trong khi cầu vốn tăng nhưng tiền nhàn rỗi (tiết kiệm) giảm.
Năm 2015, số tuyệt đối giữa huy động và cho vay đề cân bằng nhưng tốc độ tăng trưởng của tín dụng lớn hơn tốc độ tăng trưởng huy động (trên 17% so với trên 14%). Ngoài ra, yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm 2016 tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm (khoảng 50% so với dự toán) nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù đắp bội chi tiếp tục lớn ở mức 220.000 tỉ đồng, cao hơn 2015. Yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung dài hạn. Ba yếu tố nói trên sẽ tác động yếu tố tâm lý, khiến các TCTD tăng dự trữ nguồn. Mặc dù hiện tại chưa có gì căng thẳng nhưng chúng lại nuôi dưỡng kỳ vọng của các TCTD, tạo nên phản ứng của thị trường như đã thấy.
Ở góc độ điều hành, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. NHNN cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.