Lý do phổ biến: Máy bay đến trễ!

12/03/2018 07:27 GMT+7

Khách hàng thường xuyên đi máy bay hẳn đã quá quen với những lý do muôn thuở khi được thông báo lùi giờ khởi hành chuyến bay như lý do thời tiết hay sự cố kỹ thuật...

Tuy nhiên thời gian gần đây, lý do trễ chuyến thường xuyên được các hãng hàng không thông báo cho khách hàng tại sân bay là “chuyến bay phải lùi giờ khởi hành do máy bay đến trễ”. Nhưng vì sao máy bay đến trễ thì không ai biết.
Đem thắc mắc này đến hỏi đại diện một hãng hàng không, vị này lý giải: Thời gian cất cánh, lăn bánh của máy bay từ điểm xuất phát thường chính xác theo kế hoạch nhưng có thể bị kẹt đường lăn hay vì lý do thời tiết hoặc chưa có sân đỗ tại sân bay đến nên thời gian hạ cánh chậm hơn so với dự kiến. “Cụ thể, có khi một máy bay xuất phát đúng giờ nhưng khi đến nơi, có máy bay khác do nhiều yếu tố về kỹ thuật, nhiên liệu... được ưu tiên hạ cánh trước thì máy bay này phải bay vòng, chờ rồi mới hạ cánh nên đến muộn, kéo theo chậm dây chuyền tới tất cả các máy bay thuộc nhiều hãng khác. Tần suất khai thác, mật độ chuyến bay tăng cao mùa cao điểm hay thời tiết xấu cũng là những nguyên nhân khiến máy bay đến muộn”, vị này giải thích.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bổ sung một lý do trễ chuyến, đó là việc nhiều hãng hàng không để tiết kiệm chi phí, tận dụng ghép chuyến, cố giãn thời gian chuyến này để gộp khách từ các chuyến sau dẫn đến chậm chuyến, chậm dây chuyền đến các chuyến bay khác. Bên cạnh đó, hoạt động không lưu tại sân bay cất cánh và sân bay hạ cánh hoạt động không ăn khớp cũng là một nguyên nhân khiến máy bay đến trễ. Theo ông Tống, để có được những chuyến bay giá rẻ, các hãng hàng không phải làm sao để có được nhiều chuyến bay nhất trong 1 ngày. Vì vậy, tần suất hoạt động tại sân bay tăng lên, máy bay đáp xuống rồi nhưng “kẹt” đường lăn, chờ bãi đậu nên đến trễ. “Thực tế càng nhiều máy bay giá rẻ thì nguy cơ trễ chuyến, hủy chuyến càng cao...”, ông Tống nói.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng đánh giá tỷ lệ chậm chuyến tăng cao còn do các hãng hàng không sắp xếp lịch bay chưa hợp lý, kết hợp với thời gian đảm bảo quay đầu tàu bay chưa tốt dẫn đến việc chậm chuyến dây chuyền. Theo quy định, các hãng hàng không phải bố trí 10% năng lực số lượng máy bay khai thác làm dự phòng, ứng phó với các tình huống bất thường gây chậm hủy chuyến... Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện một hãng hàng không, điều này rất khó thực hiện, lý do lớn nhất là không đảm bảo hiệu quả khai thác và kinh tế. Để tiết kiệm chi phí, ngoài cho thuê máy bay vào mùa thấp điểm, các hãng hàng không nhỏ thường duy trì một số lượng máy bay tối thiểu để khai thác cũng như xếp lịch bay kín để tăng tần suất với 3 - 4 chuyến quay đầu trong ngày. Đây là lý do chỉ một chuyến bay bị trễ (vì thời tiết, kỹ thuật) sẽ kéo theo ít nhất 3 - 4 chuyến tiếp theo bị trễ giờ.
Để giảm tình trạng này, ông Thắng cho biết, Cục Hàng không VN đã chỉ đạo xây dựng những giải pháp đồng bộ. Trước mắt sẽ tổ chức rà soát đánh giá lại toàn bộ việc chấp hành lịch bay, thời gian quay đầu máy bay, việc phối hợp hiệp đồng với các nhà cung ứng dịch vụ, tăng tỷ lệ dự phòng máy bay để đưa ra các giải pháp hoàn thiện ngay trong tháng 3.2018.
Theo báo cáo từ Cục Hàng không VN, trong 2 tháng đầu năm, tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không ở mức khoảng 84%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Trong đó, ngoài Vietnam Airlines duy trì tốt chỉ số đúng giờ, các hãng hàng không giá rẻ đều có tỷ lệ đúng giờ chưa tốt (khoảng 70%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số bay đúng giờ sụt giảm là do máy bay về muộn, có 1.683 chuyến bay trễ giờ, chiếm tỷ lệ 63,2% trong nhóm các nguyên nhân cất cánh không đúng giờ của các hãng hàng không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.