Bộ trưởng Thương mại Nga Alexander Stadnik nói với hãng thông tấn Sputnik rằng: “Các chuyên gia Mỹ ước tính tổn thất trực tiếp mà nền kinh tế Mỹ phải chịu từ các biện pháp đối phó của Nga ở vào mức 2,25 tỉ USD trong vòng ba năm qua. Trong khi đó, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu bị mất đối với những sản phẩm không được phép nhập khẩu vào Nga có thể dẫn đến thâm hụt trong khoảng từ 1,8 tỉ USD đến 2,2 tỉ USD mỗi năm”.
Vào ngày 6.8.2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh cấm vận đối với thực phẩm và các mặt hàng nông nghiệp, bao gồm gia cầm, cá, thịt bò, trái cây, rau, sữa từ Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt mà những nước này đã áp đặt lên Nga trước đó.
Theo ông Stadnik, động thái trên của Moscow là phản ứng bắt buộc và cần thiết trước những biện pháp chế tài từ phương Tây dành cho các doanh nghiệp Nga. Quyết định cấm nhập khẩu đã giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp Nga, cho phép đất nước duy trì được mức giá hợp lý cho các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, ông Stadnik cũng lưu ý rằng các biện pháp chống Nga về lâu dài sẽ không có lợi cho các công ty Mỹ. Do đó, ông hi vọng cả Mỹ và Nga có thể khôi phục hợp tác cùng có lợi và không cần phải dùng đến các biện pháp hạn chế nhau.
Vào năm 2014, quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây xấu đi trước sự can thiệp của Moscow vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các sự việc này đã khiến Mỹ, EU và những nước đồng minh đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, quốc phòng cũng như nhiều ngành kinh tế khác của Nga.
Mới đây, vào hôm 2.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga, Triều Tiên và Iran. Được biết, luật pháp Mỹ ngăn Tổng thống Mỹ loại bỏ các biện pháp chế tài đối với Nga mà không có sự chấp thuận của Quốc hội và Tổng thống Trump đã gọi điều này là “sự thiếu sót đáng kể”.
tin liên quan
Lệnh trừng phạt của Mỹ làm kinh tế Nga thiệt hại đến mức nào?Sau thời gian chịu lệnh trừng phạt, kinh tế Nga chật vật với giá dầu giảm, lạm phát cao và một đồng tiền xuống giá khiến vốn thoái khỏi đất nước.
Bình luận (0)