Nhiều nước châu Âu cảnh báo Mỹ về lệnh trừng phạt Nga

28/07/2017 14:50 GMT+7

Các biện pháp trừng phạt Nga vừa được Hạ viện Mỹ thông qua có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt đáp trả từ Đức và cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ 'rất tệ'.

Theo Russia Today, phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cảnh báo về cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ. Bà Zypries nói: “Có khả năng sẽ có các biện pháp trừng phạt đáp trả vì đây là điều được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo”. Bà cho biết thêm cuộc chiến thương mại sẽ “rất xấu”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể gây tổn hại cho giới doanh nghiệp Đức, cản trở quan hệ giữa Berlin và Washington. “Mỹ vừa rời khỏi con đường chung mà nước này từng có với châu Âu về lệnh trừng phạt Nga”, bà Zypries nói thêm, cho hay việc Mỹ thiếu phối hợp với EU có thể làm tác động đến công ty Đức.
Hôm 26.7, Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết các biện pháp mới trừng phạt Nga có thể tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của châu Âu, gây tổn thương kinh tế Đức. DIHK cho rằng lệnh trừng phạt có vẻ làm lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nhà kinh tế Volker Treier của DIHK đang hối thúc EU giải quyết vấn đề này. “Ủy ban châu Âu (EC) giờ phải nỗ lực để làm sáng tỏ tình hình hiện tại, chống lại tác động bên ngoài của lệnh trừng phạt mới từ Mỹ. Chúng tôi cho rằng Mỹ đang theo đuổi các lợi ích kinh tế của họ”. Nếu giới doanh nghiệp Đức bị cấm tham gia vào các hãng liên quan đến đường ống dẫn khí đốt, nhiều dự án quan trọng trong ngành an ninh năng lượng có thể bị tạm dừng, khiến kinh tế chịu ảnh hưởng rõ rệt.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng có đồng quan điểm với Đức, phản đối luật mới vì chúng tác động đến các doanh nghiệp Mỹ nằm ngoài nước này và đây là điều nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật Mỹ. Thủ tướng Áo Christian Kern thì cho hay những biện pháp mới của Mỹ là không thể chấp nhận được và thể hiện ý kiến của mình trên mạng xã hội Twitter.
Ý cũng có khả năng ủng hộ các biện pháp đáp trả vì hãng năng lượng lớn nhất nước là Eni đang có kế hoạch khởi động khoan dầu tại vùng nước của Nga ở Biển Barents và Biển Đen. Khoảng 30% khí đốt của Eni do Nga cung cấp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker chỉ trích gay gắt dự luật trừng phạt Nga mới, nói rằng chính sách “American first” hay nước Mỹ trên hết không có nghĩa là lợi ích của châu Âu sẽ đứng hàng cuối cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.