NAFTA đang bên bờ vực tan rã

23/01/2018 17:35 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho hiệp định thương mại lớn với Mexico và Canada nếu các thỏa thuận quan trọng không được thực hiện trong tuần này.

Theo CNN, vòng tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thứ sáu sẽ bắt đầu từ ngày 23.1 và dự kiến kéo dài trong 6 ngày tại Montreal (Canada). Nếu kết quả vòng đàm phán này lại đi vào bế tắc, không có tiến bộ lớn nào được đưa ra như năm vòng đàm phán đầu tiên, thì nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ thực hiện lời đe dọa được lặp đi lặp lại là sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp định.
“Đây sẽ là vòng đàm phán quyết định”, Scott Sinclair, thành viên cao cấp tại Trung tâm Thay thế Chính sách Canada, nói.
NAFTA là một trong những vấn đề cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông lập luận rằng Mexico đang lấy mất việc làm và hàng tỉ USD thương mại của Mỹ. Ông cũng tin rằng một thỏa thuận mới sẽ giúp thanh toán tài chính cho bức tường biên giới ngăn cách giữa Mỹ và Mexico. Theo Bộ Thương mại Mỹ, khoảng 14 triệu việc làm của Mỹ phụ thuộc vào thương mại với hai nước láng giềng Canada và Mexico. Do đó, thách thức và áp lực dành cho các nhà đàm phán trong tuần này là rất lớn.
Thời gian đang gần hết
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mexico sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới và cuộc bầu cử chính thức sẽ diễn ra vào tháng 7.2018. Các nhà lãnh đạo nước này từ lâu đã cảnh báo rằng họ không thể phê chuẩn một thỏa thuận mới tại Mexico trong mùa bầu cử. Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto không thể tiếp tục điều hành do giới hạn thời gian, trong khi đó đối thủ của ông, ông Andres Manuel Lopez Obrador (AMLO), lại đang có lợi thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.
Được biết, ông AMLO đã hứa sẽ cứng rắn trong thương mại với Tổng thống Trump và sẵn sàng khởi động lại hoàn toàn các cuộc đàm phán NAFTA. Nếu được bầu, ông AMLO sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 12.2018. Song, quan trọng trên hết, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ cũng sẽ diễn ra vào mùa thu này. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để phê chuẩn một thỏa thuận mới tại Mỹ khi cuộc bỏ phiếu đang đến gần.
“Tình hình chính trị Mexico cũng đang có những vấn đề như tình hình chính trị Mỹ. Cho đến nay, dường như chính quyền ông Trump không hoạt động thực sự tốt trong thương mại. Do đó, rất nhiều khả năng chúng ta sẽ không nhận được kết quả tích cực từ vòng tái đàm phán thứ sáu”, Phil Levy, thành viên cao cấp của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, nhận định.
Các nhà kinh tế từ lâu đã cảnh báo rằng thời hạn của chính quyền Trump đưa ra là không thực tế để có được một thỏa thuận mới. Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là các cuộc đàm phán NAFTA sẽ được dời lại đến năm 2019. Tuy nhiên, dù khả năng nào đi nữa thì kết quả cũng không có gì khả quan hơn ngoài việc hiệp định này lại bị đình trệ hoặc bị ''khai tử'' hoàn toàn.
Sản xuất ô tô: Đề xuất “khó chịu” từ Tổng thống Trump
Vấn đề số một trên bảng tái đàm phán NAFTA là việc ô tô sẽ được sản xuất ở đâu và như thế nào tại Bắc Mỹ. Theo quy ước hiện hành của NAFTA, 62% các bộ phận trong một chiếc ô tô bán ở Bắc Mỹ phải có nguồn gốc sản xuất từ khu vực, không quan trọng là từ Canada, Mexico hay Mỹ. Nhưng nhóm đàm phán của ông Trump đang muốn nâng ngưỡng này lên 85% và đề xuất rằng một nửa bộ phận tự động có nguồn gốc sản xuất tại Bắc Mỹ phải đến từ Mỹ, phần còn lại là từ hai nước láng giềng. Nói cách khác, chính quyền Trump yêu cầu một nửa chiếc bánh, trong khi Canada và Mexico có lẽ sẽ có một phần tư.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico IIdefonso Guajardo hồi tháng 4.2017 nói rằng đề xuất của Mỹ là không thể chấp nhận được. Tháng 11.2017, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho rằng điều đó là “đề xuất cực đoan” của ông Trump và “chúng tôi sẽ không thể đồng ý”.
Ô tô là một vấn đề lớn vì số lượng xe và phụ tùng ô tô nhập từ Mexico vào Mỹ chiếm phần lớn thâm hụt thương mại giữa hai nước này. Và ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump là giảm đi mức thâm hụt thương mại lớn.
Các đề xuất khó chấp nhận khác
Theo Tom Donohue, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, hồi tháng 10.2017 chính quyền ông Trump đã đề xuất cái gọi là “mệnh đề hoàng hôn”. Theo đó, NAFTA sẽ chấm dứt 5 năm một lần trừ khi cả ba nước đều đồng ý ký kết thêm 5 năm nữa. Một số chuyên gia cho rằng đề xuất này gây ra quá nhiều sự không chắc chắn cho các doanh nghiệp đang cố gắng đầu tư dài hạn ở Mexico hoặc Canada.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.