Ngân hàng Nhà nước giám sát 'cuộc chơi' của những công ty tài chính

22/12/2017 06:16 GMT+7

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết công tác thanh tra tài chính tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng sẽ được NHNN tăng cường trong thời gian tới để đảm bảo hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng minh bạch, đúng pháp luật.

Theo NHNN thì tài chính tiêu dùng VN là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở VN trong những năm gần đây. Dư nợ tín dụng tiêu dùng được cung cấp bởi các TCTD hiện nay đạt khoảng 960 nghìn tỉ đồng, chiếm 15,7% tổng dư nợ toàn hệ thống, gấp 6 lần năm 2011. Trong đó, nhóm công ty tài chính tiêu dùng có quy mô tín dụng đạt 74 nghìn tỉ đồng, gấp hơn 10 lần năm 2011 và là nhóm có tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiêu dùng mạnh nhất trong 3 năm gần đây, bình quân khoảng 44%.
Báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính tháng 11.2017 và 11 tháng năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố cho biết, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.
Hiện thị trường tài chính tiêu dùng cũng khá nhộn nhịp, với sự hiện diện của 16 công ty và chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, hoạt động thực sự hiệu quả và mang lại lợi nhuận thì chủ yếu ở vài cái tên như FE Credit, Home Credit...
Từ cuối năm 2016, FE Credit công bố hoàn tất thủ tục vay vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse. Credit Suisse AG Singapore đóng vai trò là ngân hàng thu xếp trong việc ký kết hợp đồng vay, đồng thời là đại lý tín dụng và là đại diện nhận bảo đảm cho khoản vay hợp vốn này. Cuối tháng 11 vừa qua, FE Credit đã thông báo sẽ tiếp nhận khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank.
Cũng tương tự, trong tháng 11, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng chính thức ra mắt Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (thương hiệu Mcredit) - chuyển đổi hình thức pháp lý từ Công ty TNHH MTV MB. Theo hình thức pháp lý mới này, cổ phần đóng góp của các thành viên tham gia tại Mcredit như sau: MB chiếm 50% cổ phần, Ngân hàng Shinsei chiếm 49%.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Rất đơn giản, các nhà đầu tư nước ngoài đang “đánh hơi” về “một thị trường màu mỡ” nên bỏ vốn. Xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới”. Do vậy, việc giám sát của NHNN sẽ giúp cho hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng ngày càng minh bạch, hoạt động đúng pháp luật hơn.

tin liên quan

Rủi ro 'vay tiền không cần gặp mặt'
Sàn giao dịch vay tiêu dùng được quảng bá 'vay tiền không cần gặp mặt' đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro cho cả người vay lẫn người cho va
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.