Ngân sách 'ngáng đường' đặc khu

Mai Phương
Mai Phương
13/04/2018 06:45 GMT+7

Các chuyên gia đều cho rằng việc Bộ Tài chính 'bác' những đề xuất về cơ chế đặc thù mà các tỉnh có đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) đưa ra vì lo ngân sách giảm có thể khiến mục tiêu tạo đặc khu của Chính phủ bị phá sản.

Dự thảo đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế do các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang xây dựng sẽ được các bộ ngành thẩm định, cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào giữa tháng 5 tới.
Đầu tư mạnh mới hút được nguồn lực
Trong báo cáo thẩm định về 3 đề án đặc khu vừa gửi, Bộ Tài chính hầu như không đồng ý với những đề xuất về cơ chế đặc thù mà các tỉnh đưa ra. Ví dụ tỉnh Quảng Ninh đề nghị để lại toàn bộ 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu đến năm 2030 đối với đặc khu Vân Đồn, phía Bộ Tài chính đề nghị chỉ để lại số tăng thu ngân sách nội địa so dự toán phát sinh trên địa bàn trong 10 năm theo như dự luật đặc khu đã trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đề nghị bổ sung có mục tiêu cho đặc khu trong 5 năm kể từ ngày thành lập, tương ứng 25% số thu nội địa của tỉnh đang nộp về ngân sách T.Ư là khoảng hơn 2.000 tỉ đồng/năm. Góp ý về kiến nghị này, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc vì nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách T.Ư là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách T.Ư hằng năm.
Tương tự đối với đề xuất của Kiên Giang áp dụng cho đặc khu kinh tế Phú Quốc như để lại 50% nguồn thu nội địa trên địa bàn, Bộ Tài chính cũng không đồng ý và đề nghị thực hiện theo dự luật đặc khu...
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các nước khác đã lập đặc khu từ 40 - 50 năm trước, đến giờ này VN mới triển khai là quá chậm. Quan trọng hơn VN đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương. Nội dung chính của các hiệp định này là giảm và gỡ bỏ hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu. Những ưu đãi về thuế, phí vào 3 đặc khu của VN không có gì đặc biệt so với các nước. Do đó, để đặc khu của VN thật sự trở nên có tính đột phá, mang lại hiệu quả như mong muốn thì Chính phủ và các địa phương cần phải đẩy mạnh về hạ tầng cơ sở, đào tạo cung cấp đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Đồng thời tạo nên sự kết nối kinh tế vùng, nâng cao năng lực và chuyển đổi mạnh mẽ về thể chế kinh tế mới thu hút được các nhà đầu tư tham gia.
Nhiều cơ sở tăng nguồn thu
Theo đề án, 3 đặc khu sẽ cần có nguồn vốn đầu tư khá lớn để phát triển hạ tầng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển đô thị, không gian vùng. Điều này khiến nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả đầu tư cũng như nguồn thu sẽ sụt giảm khi áp dụng các chính sách ưu đãi.
Nhưng tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ gia tăng sau khi 3 đặc khu đi vào hoạt động. Ví dụ tại Phú Quốc, nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất; thu được từ các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD và mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
Tại đặc khu Vân Đồn, ước tính nhà nước thu được khoảng 1,9 tỉ USD từ thuế và phí; 2,1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất. Vân Đồn cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2030. Thu nhập bình quân đầu người tại đây cũng tăng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030. Tại Bắc Vân Phong, ước tính nhà nước thu được khoảng 1,2 tỉ USD từ thuế, phí và 1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2017 - 2030; mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, phân tích trong tự do hóa thương mại thuế suất đều bằng 0% và nguồn thu trước mắt sẽ giảm. Nhưng nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động, doanh thu của các đơn vị kinh tế gia tăng thì thu thuế sẽ cao hơn. Vấn đề là cần xem xét kỹ các tính toán ưu đãi cụ thể ở những đặc khu có hợp lý hay chưa? Giảm thuế, thậm chí là miễn thuế cho một lĩnh vực nào đó có thúc đẩy lĩnh vực đó phát triển hay không? Các điều kiện đó đã đủ hấp dẫn với nhà đầu tư hay chưa? Cũng cần đánh giá về tác động chung đến kinh tế xã hội, môi trường của đặc khu và cả vùng kinh tế cũng là hiệu quả chứ không riêng về nguồn thu cho ngân sách.
Đồng quan điểm, GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, phân tích thêm: để thật sự phát huy hiệu quả, luật đặc khu chỉ nên đưa ra những định hướng chung mà không nên áp đặt một cơ chế cụ thể chung cho cả 3 đặc khu. Bởi Phú Quốc sẽ khác Vân Đồn hay Bắc Vân Phong vì mỗi nơi có một đặc điểm cụ thể riêng do điều kiện kinh tế, tự nhiên từng vùng khác nhau. Nên cho phép mỗi đặc khu quy hoạch riêng với mục tiêu thu hút được các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
“Chúng ta cũng không vội lo lắng về việc sụt giảm nguồn thu trong giai đoạn đầu vì các chính sách ưu đãi hay đầu tư lớn. Khi tạo ra được sức hút cho các đặc khu kinh tế, số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều với doanh thu cao thì từ đó nguồn thu từ các loại thuế, phí sẽ gia tăng. Đó là chưa kể việc phát triển được kinh tế vùng, gia tăng thu nhập của người dân. Còn ngược lại nếu các chính sách không đủ hấp dẫn, nhà đầu tư không vào thì xây dựng đặc khu trở nên vô nghĩa”, GS-TS Võ Đại Lược nói.
Đặc khu Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 270.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2018 - 2030; đặc khu Bắc Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa cần nguồn vốn đầu tư khoảng 400.000 tỉ đồng cho giai đoạn từ 2019 - sau 2025 và đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang cần nguồn vốn khoảng 900.000 tỉ đồng từ nay đến 2030.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.