Ngư dân Thanh Hóa cũng khốn khổ vì tàu vỏ thép hỏng

27/06/2017 10:00 GMT+7

Mới đưa vào khai thác trong thời gian ngắn, nhưng theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, 15/23 tàu vỏ thép ở địa phương được đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) đã hư hỏng, trục trặc liên tục, khiến ngư dân lao đao vì nhiều chuyến đi đánh bắt phải về không.

* Đề nghị Công an khởi tố, người dân khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương
Tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) có 7 chiếc tàu vỏ thép đang hoạt động nhưng có tới 4 chiếc thường xuyên hư hỏng, phải nằm bờ sửa chữa trong khi ngư dân từng ngày bạc mặt kiếm tiền trả ngân hàng.
Chúng tôi cũng đã có báo cáo về tình hình hư hỏng của tàu vỏ thép gửi cấp trên đề nghị làm rõ nhưng chưa có thông tin phản hồi
Ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND P.Quảng Cư (TP.Sầm Sơn)

Đi 8 chuyến đều bị trục trặc, hư hỏng
PV Thanh Niên có mặt trên con tàu mang số hiệu TH-93968 TS (công suất 829 CV) của ông Nguyễn Duy Muộn (ngụ P.Quảng Cư, TP.Sầm Sơn) khi ông đang hì hục tự sửa chữa con tàu vỏ thép chuyên hành nghề lưới chụp. Ông cho biết đáng lẽ thời điểm trung tuần tháng 6 này phải đang ra khơi như dự kiến, nhưng chuyến đi biển gần đây máy phát điện chính của tàu lại hỏng nên bây giờ tàu phải nằm bờ. Tàu của ông có tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỉ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỉ đồng, còn lại vốn của gia đình) do Công ty CP Đại Dương (địa chỉ tại xã Thụy Hải, H.Thái Thụy, Thái Bình) đóng.
Ông kể vào tháng 2.2015, gia đình được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào danh sách đóng tàu theo Nghị định 67. Đến tháng 8.2016 thì đơn vị đóng tàu hoàn thành bàn giao tàu. Hai tháng sau (10.2016), ông Muộn cùng 9 thuyền viên đi chuyến đầu tiên, nhưng vừa thả lưới xuống biển thì máy tời bị vỡ, hư hỏng nặng, không thể đánh bắt nên phải đánh tàu vào xưởng sửa chữa của Công ty CP Đại Dương (ở Thái Bình) hết 10 ngày. Sau đó, ông tiếp tục ra khơi chuyến thứ 2, nhưng cũng vừa ra đánh bắt được 2 ngày thì máy phát điện chính bị hỏng, lại phải đánh tàu về bến ở cảng Hới (TP.Sầm Sơn) sửa chữa. Từ chuyến thứ 3 đến chuyến thứ 8, tình trạng cũng tương tự.
Tính đến hết tháng 5.2017, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 67 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67. Hiện 46 tàu đã đóng hoàn thành và đang hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép, còn lại là tàu vỏ gỗ.

Từ khi nhận tàu, chuyến nhiều ông phải chi tới gần 100 triệu đồng, chuyến ít cũng 40 - 50 triệu đồng nhưng chưa chuyến nào ông đánh bắt trọn vẹn. Trong khi mỗi quý, ông phải nộp cho ngân hàng khoảng 270 triệu đồng và trả lương cho lao động 8 triệu đồng/người/tháng. Cực chẳng đã, mới đây, ông Muộn đã tổng hợp những hư hỏng của tàu gửi các cơ quan chức năng.
Không chỉ riêng tàu ông Muộn, nhiều tàu vỏ thép khác cũng liên tục gặp sự cố, hư hỏng, như tàu của ông Lê Văn Lực (ngụ tại xã Hoằng Trường, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), số hiệu TH-91709 TS, công suất 811 CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương (địa chỉ tại tỉnh Nam Định) đóng. Con tàu này mới đi biển được 4 tháng nhưng thường bị hư hỏng cẩu tời, bục ti ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu… Tàu cá của ông Trần Văn Thượng (ngụ tại xã Nghi Sơn, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cũng do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng và đi vào hoạt động từ tháng 2.2016. Mới được hơn 1 năm, nhưng tàu đã bị gỉ sét, bong tróc sơn, xuống cấp, hư hỏng cẩu tời…
Nhiều vị trí trên tàu của ông Muộn bị gỉ sét, bong tróc
Cần điều tra, làm rõ
Ông Trần Học Đính, Chủ tịch UBND P.Quảng Tiến (TP.Sầm Sơn) - địa phương có 2 tàu vỏ thép, cho biết trong khi các tàu vỏ gỗ đều hoạt động ổn định thì tàu vỏ thép sau một thời gian ngắn đi vào khai thác đã bộc lộ nhiều dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND P.Quảng Cư (TP.Sầm Sơn), địa phương có 5 tàu vỏ thép, trong đó đa phần đều có trục trặc và hư hỏng, cho rằng việc bức thiết bây giờ là xác định rõ nguyên nhân, từ vỏ tàu đến máy móc, các thiết bị trên tàu có đúng chủng loại, đóng có đúng thiết kế không để khắc phục những lỗi đang xảy ra. “Chúng tôi cũng đã có báo cáo về tình hình hư hỏng của tàu vỏ thép gửi cấp trên đề nghị làm rõ nhưng chưa có thông tin phản hồi”, ông nói.
8 chuyến đi biển thì cả 8 chuyến tàu đều có hư hỏng, trục trặc
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT Thanh Hóa - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nghị định 67 Thanh Hóa), cho biết Sở đã có thành lập đoàn kiểm tra thực tế để nắm bắt những hư hỏng, trục trặc của các tàu vỏ thép trên địa bàn sau khi một số tàu vỏ thép ở các tỉnh khác bị hư hỏng.
“Đúng là một số tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh có hiện tượng trục trặc, hư hỏng, chủ yếu là cẩu tời, máy phát điện… nhưng đó chỉ là kiểm tra sơ bộ chứ không phải thành lập đoàn thẩm định, nên hiện không thể khẳng định có máy móc hay thiết bị nào không đúng chủng loại theo hợp đồng. Chúng tôi cũng đã thông báo cho các ngư dân có tàu vỏ thép, nếu tàu có hư hỏng thì làm báo cáo gửi chính quyền địa phương, địa phương sẽ gửi lên Sở NN-PTNT, sau đó Sở báo cáo tỉnh và tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Cường nói.
Đề nghị Công an khởi tố, người dân khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương
Chiều 26.6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chủ trì buổi họp để nghe báo cáo kết quả thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định - Tổ trưởng tổ thẩm định tàu cá vỏ thép, đã báo cáo kết quả thẩm định 17 tàu cá vỏ thép, gồm: 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng (Thanh Niên đã thông tin). Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đại diện các sở, ngành, các ngư dân đều thống nhất với báo cáo này.
Ông Trần Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định có phương án đề xuất UBND tỉnh, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ giãn nợ cho các ngư dân. Ông Châu đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định thành lập tổ kỹ thuật phối hợp UBND các huyện để kiểm tra chất lượng, chủng loại các thiết bị, máy móc nhập vào trước khi lắp vào tàu vỏ thép cho ngư dân. Chi phí kiểm tra chất lượng, chủng loại sản phẩm phải do các công ty đóng tàu chịu. Ông cũng đề nghị Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) sẽ kiểm định lại lần 2 chất lượng tàu vỏ thép được sửa chữa trước khi xuất xưởng và cho tham gia hoạt động trên biển.
Tại cuộc họp, ông Châu cho biết thời gian qua, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có phần tích cực khắc phục sửa chữa đối với các tàu vỏ thép bị hư hỏng, còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương hầu như không thực hiện việc sửa chữa tàu cho ngư dân, không hợp tác với Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Định trong việc khắc phục sự cố. Ông Châu phát biểu: “Tôi chính thức yêu cầu chủ tịch UBND các huyện vận động ngư dân đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khởi kiện công ty trong ngày mai (ngày 27.6) vì vỏ thép không đúng hợp đồng, các thiết bị máy móc đã hư hỏng. Công an tỉnh lập ngay hồ sơ báo cáo Bộ Công an để khởi tố Công ty TNHH Đại Nguyên Dương”.
Sau buổi họp, ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004 TS, cho biết tàu của mình do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng với giá 15,9 tỉ đồng. Kết quả thẩm định xác định tàu của ông Lý có vỏ tàu bằng thép Trung Quốc, mẫu thép vỏ tàu không đạt chất lượng thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT. Ông khẳng định trong hôm nay (27.6), sẽ gửi hồ sơ khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương ra tòa.
Hoàng Trọng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.