Nhờ Tổng thống Trump, kinh tế Mexico chuyển trục từ Mỹ ra thế giới

15/02/2017 19:00 GMT+7

Ông Gustavo Bojalil, chủ sở hữu một nhà máy dệt ở Mexico, đang quay lưng với nước Mỹ và Tổng thống Mỹ Donald Trump theo cách riêng của mình.

Theo CNN, ông Bojalil lo lắng về lời đe dọa áp đặt thuế quan lên hàng hóa Mexico và lời chỉ trích Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Tổng thống Trump vì khoảng 20% số quần áo từ xưởng của ông cập cảng Mỹ. Vì thế, chủ nhà máy 49 tuổi đang bàn bạc chuyện kinh doanh với nhiều doanh nghiệp ở Tây Ban Nha và Colombia. Ông cũng nhắm đến bạn hàng ở các thị trường mới như Argentina, Brazil, Bolivia và Chile.
“Chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm những sự lựa chọn thay thế. Chúng tôi đã đến Tây Ban Nha, đến thành phố Madrid, Barcelona để đàm phán, bàn bạc với ngành công nghiệp ở đó”, chủ nhân nhà máy tọa lạc tại thành phố Puebla, cách thủ đô Mexico City không xa về phía đông nam, cho biết.
Ông Bojalil ngờ vực về việc Tổng thống Mỹ sẽ thực hiện những lời đe dọa dành cho Mexico, đặc biệt là về mặt thuế quan áp lên hàng hóa Mexico. “Tôi không nghĩ rằng ông ấy có thể áp thuế quan 20% được”, Bojalil nói, song ông không chần chừ trong việc tìm biện pháp. Doanh nghiệp của ông hiện tuyển dụng 180 người làm việc tại nhiều cơ sở dệt may. Bojalil ước tính mức thuế cao mà ông Trump có thể áp đặt sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của ông, gây tổn thất doanh thu và buộc ông phải giảm 30 nhân viên.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhạy bén như Bojalil đã bắt đầu tìm cách giảm sự phụ thuộc của họ vào kinh tế Mỹ và sự thiếu chắc chắn trong chính sách của Tổng thống Trump. Khoảng 80% hàng xuất khẩu Mexico đi về biên giới phía bắc. Thậm chí nhiều người còn nói rằng “khi nước Mỹ hắt hơi, Mexico sẽ cảm lạnh”. Giờ đây, người Mexico đang tìm cách tăng sức đề kháng.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto mới đây thông báo kế hoạch thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với nhiều nước Mỹ La tinh, châu Á và châu Âu. “Mexico sẽ trở nên gần gũi hơn với Argentina và Brazil… đào sâu, mở rộng các cơ hội thương mại”, ông Pena Nieto nói hôm 23.1. Tổng thống Mexico cũng lưu ý rằng nước ông sẽ theo đuổi nhiều thỏa thuận với Chile, Peru, Colombia cũng như nhiều nước châu Á khác có tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận mà ông Trump vừa quay lưng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump Reuters
Hiện tại, tiền đầu tư và mối quan tâm dồn về kinh tế Mexico đang đến từ khắp nơi. Hãng ô tô Trung Quốc JAC Motors và công ty ô tô Mexico Giant Motors vừa công bố đầu tháng 2 rằng họ sẽ đầu tư 212 triệu USD vào nhà máy đã có ở Hidalgo (Mexico) để lắp ráp xe SUV. Công ty viễn thông Đại lục Huawei thì đã và đang mở rộng tại quốc gia Nam Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định những lời chỉ trích Mexico của ông Trump chỉ đẩy nước này về phía Trung Quốc và nhiều nước khác. Bà Margaret Myers, Giám đốc Đối thoại liên Mỹ cho hay: “Nhận định của tôi là nếu NAFTA biến mất, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Mexico. Quan hệ Trung Quốc - Mexico đang ở mức cao kỷ lục”.
Châu Âu cũng muốn tham gia. Nhà máy lớn nhất bên ngoài châu Âu của hãng xe sang Volkswagen là ở Peubla (Mexico). Công ty Audi cũng mở nhà máy mới tại đây hồi tháng 9.2016. BMW thì vừa công bố kế hoạch mở cơ sở trong tương lai tại quốc gia Mỹ La tinh. Châu Âu là nơi xuất phát của 40% tổng đầu tư nước ngoài vào Mexico từ năm 2000. Liên minh châu Âu (EU) và Mexico khởi động đàm phán thương mại từ năm 2013. Hiện tại là lúc rất cấp bách để hoàn tất các hiệp định trên.
Đại sứ EU ở Mexico Andrew Standley cho biết: “Làm mới các thỏa thuận, mối quan hệ song phương của chúng ta là mục tiêu số một trong chương trình nghị sự. Tiến hành càng nhanh càng tốt quá trình đàm phán là mong muốn chung”.
Một số chuyên gia nhận định rằng Mexico sẽ đối mặt nhiều thách thức nếu họ thực sự muốn chuyển trục ra khỏi Mỹ. Đơn cử, bài toán gỡ rối mạng cung ứng ở Bắc Mỹ và sự gần gũi với kinh tế Mỹ là hai vấn đề lớn. Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu chính của Mexico là ô tô và linh kiện ô tô trong khi Brazil cùng Argentina cũng sản xuất hàng loại này. Mexico còn phải cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô châu Âu trên khắp khu vực. Thêm vào đó, lợi thế lao động rẻ ở Mexico sẽ biến mất nếu bạn muốn sản xuất ô tô ở đây và vận chuyển nó đến lục địa già để bán.
Dù vậy, một số người Mexico tỏ ra sẵn sàng theo đuổi chiến lược xoay trục. Với chủ nhà máy Bojalil, những lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ là cơ hội cho phần còn lại của thế giới: “Nhờ Tổng thống Mỹ Trump, cả thế giới đang đến với Mexico”.

tin liên quan

Mexico sẵn sàng trả đũa Mỹ về kinh tế
Hãng tin CNN nhận định Mexico hiện sẵn sàng trả đũa bằng cách làm tổn thương nông dân Mỹ. Quốc gia Nam Mỹ là một trong những khách mua ngô Mỹ hàng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.