Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: 'TP.HCM có thể lấy lại vị trí Hòn ngọc Viễn Đông'

11/05/2016 13:04 GMT+7

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, khẳng định TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính khu vực nếu quyết tâm mở cửa và chấn chỉnh bộ máy quản lý dưới cơ sở.

* Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng mới đây, ông có tâm sự sau khi nghe Bí thư Thăng phát biểu sẽ đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và biến nơi đây thành Hòn ngọc Viễn Đông, ông đã kêu gọi đối tác đẩy quy mô đầu tư một dự án lớn hơn gấp nhiều lần so với ban đầu. Ông có thể chia sẻ thêm về ý định này?
- Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Ban đầu các tập đoàn chuyên về giải trí, du lịch cùng với tôi dự định chỉ làm một dự án nhỏ chừng 250 - 300 triệu USD ở TP.HCM thôi. Nhưng đó là chuyện của 2 năm trước khi chúng tôi chưa thấy rõ ràng lắm dấu hiệu đổi mới. Còn gần đây nhất khi ông Thăng giữ chức vụ Bí thư Thành ủy với sự tràn đầy nhiệt huyết muốn phát triển nhanh TP.HCM, mà tiêu điểm đầu tiên là lấy lại vị trí Hòn ngọc Viễn Đông trước đây.
Qua câu phát biểu của Bí thư Thăng và qua cuộc họp với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại TP.HCM mới đây thì tôi thấy cơ hội biến TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực ngày càng hiện rõ hơn, cơ hội đầu tư nhiều hơn. Việt Nam đang mong muốn mở cửa, hội nhập toàn diện chứ không còn he hé như trước nữa

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Trước đây khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Thăng đã kiên quyết đổi mới tất cả sân bay. Bây giờ hầu hết sân bay rất năng động, mở cửa ra cổ phần hóa, cho tư nhân, nước ngoài tham gia. Đây là ý tưởng rất thực tế cho việc hội nhập sâu rộng thêm của TP.HCM trong tình hình hiện nay.
Qua câu phát biểu của Bí thư Thăng và qua cuộc họp với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại TP.HCM mới đây thì tôi thấy cơ hội biến TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực ngày càng hiện rõ hơn, cơ hội đầu tư nhiều hơn. Việt Nam đang mong muốn mở cửa, hội nhập toàn diện chứ không còn he hé như trước nữa.
Những tập đoàn phối hợp với tôi đều là những tên tuổi lớn của Mỹ Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts, Steelman Partners. Riêng Cantor Fitzgerald là chủ sở hữu tòa tháp đôi ở Mỹ bị khủng bố ngày 11.9.2001. Sau khi bị khủng bố và được chính phủ Mỹ hỗ trợ tái thiết, tập đoàn này càng ngày càng mạnh. Khối mấy tập đoàn này đi đâu sẽ kéo theo những dòng tài chính khổng lồ đổ vào đó. Đến thời điểm này, những tập đoàn này muốn đầu tư dự án 4 tỉ USD ở quận 2, TP.HCM. Trong dự án đó nổi bật nhất là tòa nhà trung tâm 70 tầng và sẽ kéo tất cả các nhà đầu tư quốc tế đóng quân ở tòa nhà này, đưa các đầu tàu tài chính của khu vực về đây, từ đó TP.HCM sẽ hưởng lợi.
Nhưng chuyện đó còn dài, ăn thua là mình có chịu cởi mở với người ta không. Tuy nhiên có thể thấy các tập đoàn đã thể hiện thiện chí muốn đầu tư vào TP.HCM. Chỉ sau khi đoàn tiền trạm tới chừng một tháng, chỉ trong 30 ngày họ lên được kế hoạch của dự án mà bình thường phải thực hiện trong vòng 6 tháng. Trong đó, họ đưa ra chi tiết cụ thể từng giai đoạn đầu tư và cam kết thực hiện đúng như vậy. Trước quyết tâm của Bí thư Thành ủy như vậy, chúng tôi quyết định không làm nhỏ nữa vì làm nhỏ sẽ mất thời cơ.
Lãnh đạo đại diện của các tập đoàn Mỹ trong lần gặp gỡ Bí thư Đinh La Thăng để thuyết trình về dự án Ảnh: Trung Hiếu
* Khi ông khuyên 3 tập đoàn của Mỹ đầu tư lớn gấp nhiều lần so với ban đầu, họ có thái độ gì không?
- Tôi đưa những bài báo về phát biểu của ông Thăng cho họ xem, rồi trình bày quyết tâm đổi mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để họ hiểu. Tôi muốn cho họ biết Việt Nam đang đổi mới một lần nữa, thậm chí còn mạnh hơn đổi mới năm 1986. Cách đây 30 năm, tôi là người chứng kiến sự đổi mới ở Việt Nam, ở TP.HCM. Đến giờ này sự đổi mới lần đầu dù tạo ra sự đổi thay to lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Thực sự khi quyết định đầu tư 4 tỉ USD vào TP.HCM, nhà đầu tư Mỹ rất đắn đo. Họ chất vấn tôi nhiều điều và băn khăn liệu đúng thời gian chưa, tôi khẳng định đúng thời gian. Nếu trước đây một năm tôi sẽ bảo chưa đúng thời gian, nhưng 2 tháng qua là đúng. Ngay lập tức 3 tập đoàn này cử người bay sang Việt Nam cùng với tôi tiếp xúc các lãnh đạo để triển khai dự án. Kế hoạch dự án tương tự thường mất 6 tháng đến 1 năm mới hoàn thành mà họ làm chỉ mất 30 ngày cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư Mỹ. Đây là phương án 2 của chúng tôi. Phương án 1 chúng tôi dự định đầu tư thăm dò từ từ nhưng bây giờ bỏ phương 1 nhảy qua phương án 2.
* Ông có thể cho biết quy mô và tiến độ của dự án?
Dù rất tin tưởng lãnh đạo nhưng các nhà đầu tư đang xem xét sự thay đổi ở dưới cơ sở. Dự án của chúng tôi có thể là một ví dụ điển hình về sự thay đổi ở cơ sở, địa phương. Nhà đầu tư đã rút ngắn kế hoạch dự án từ 6 tháng đến 1 năm còn 30 ngày, vậy thay vì 2-3 năm để dự án được xây dựng thì quý vị rút ngắn còn 6 tháng được không? Bây giờ lãnh đạo phải chọn một số dự án lớn, có khả thi làm thí điểm trước để khẳng định rằng chúng tôi nói là làm chứ không phải kiểu trên bảo dưới không nghe

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

- Chủ trương của TP.HCM đã đồng ý, hiện nay mấu chốt vẫn ở Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm. Theo quy hoạch, khu đất mà dự án chúng tôi đầu tư bắt buộc xây dựng những tòa nhà hình khối, mỗi lô một khối. Như vậy khu đất chúng tôi đầu tư có 11 lô đất thì phải có 11 tòa nhà. Như vậy không đúng với ý đồ của các nhà đầu tư sẽ xây dựng một tổng thể bao gồm tòa nhà cao 70 tầng, với 3 tòa nhà thấp và các khu vui chơi, giải trí. Chúng tôi đầu tư không vì mục đích xây nhà để bán mà xây dựng một trung tâm tài chính, giải trí, du lịch khép kín ở đây.
Du khách nước ngoài khi đến TP.HCM sau khi tham quan dinh Thống Nhất, các bảo tàng… rồi tối chỉ biết về khách sạn ngủ. Tối sau 12 giờ không ra đường vì không biết đi đâu. Với khu giải trí mà chúng tôi đang ý định đầu tư sẽ mở 24/24. Những khách từ Mỹ, Pháp… sang Việt Nam bị trái múi giờ ngủ không được thì phải có nơi cho khách giải trí. Ở trong này khép kín kiểm soát được, không bị tệ nạn xã hội, trộm cướp xâm nhập. Những trung tâm vui chơi giải trí quy mô lớn là cái mà TP.HCM đang thiếu để thu hút khách du lịch.
Hiện tại tất cả bản vẽ của dự án chúng tôi đã có rồi. Vấn đề là Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm có đồng ý có sửa đổi quy hoạch hay không. Ban đầu chúng tôi dự tính xin làm dự án ở Ba Son nhưng có nhà đầu tư làm rồi, mới chuyển sang quận 2. Ban đầu chúng tôi tính xin 22 ha nhưng chỉ còn 11 ha. Nếu 22 ha dự án sẽ còn đẹp và hoành tráng hơn nữa.
Dự án sẽ là trung tâm tài chính, hội nghị, vui chơi, giải trí khép kín Ảnh: Trung Hiếp chụp lại
* Theo ông thì TP.HCM có trở thành trung tâm tài chính của khu vực, xứng với danh xưng Hòn ngọc Viễn Đông không?
- Muốn trở thành Hòn ngọc Viễn Đông cần phải có nhiều điều kiện. Phải đảm bảo an ninh trật tự cái đã, đừng để cho du khách bị cướp giật trên đường phố, đừng để chém giết. Cái thứ 2 là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đừng để ai chết hay ngộ độc vì thức ăn. Hai cái này TP đang kiên quyết làm. Cái thứ 3 là phải có nhà đầu tư thực sự có tiền.
Nhưng cái khó ở mình là sự trì trệ ở địa phương. Giống như Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm yêu cầu do đã quy hoạch nên thay vì xây dựng 1 tòa nhà trung tâm 70 tầng thì cắt bớt rồi xây dựng 11 tòa nhà ngang ngang nhau ở 11 lô đất. Chúng tôi chỉ cần xây dựng 1 tòa nhà lớn để kêu gọi nhà đầu tư lớn vào chứ đâu cần 11 tòa nhà. Họ bảo xây dựng 11 tòa nhà rồi dành từng tòa nhà cho nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc… Nếu làm như thế thì trật hoàn toàn.
* Nhưng liệu TP.HCM có lấy lại được danh xưng Hòn ngọc Viễn Đông không?
- Có lấy lại được nếu có quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM. Hiện nay các nước xung quanh ta chỉ có Philippines tăng trưởng nhanh hơn 20%/năm, còn các nước khác chỉ tăng trưởng dưới 5%/năm, chỉ có Việt Nam tăng trưởng 6%, 7% và sang năm có khả năng 8% nếu mình mở cửa.
* Nhà đầu tư nước ngoài có hào hứng đầu tư vào TP.HCM sau tín hiệu đưa TP trở thành trung tâm tài chính của khu vực không?
- Họ rất hào hứng nhưng vẫn còn chút e dè vì kinh nghiệm họ đã thấy trên thông nhưng dưới chưa thông. Như vụ này bắt xây 11 cái cột ở 11 lô đất. Trong khi các lãnh đạo đều khẳng định có thể thay đổi quy hoạch phù hợp với nhà đầu tư. Dù rất tin tưởng lãnh đạo nhưng các nhà đầu tư đang xem xét sự thay đổi ở dưới cơ sở. Dự án của chúng tôi có thể là một ví dụ điển hình về sự thay đổi ở cơ sở, địa phương. Nhà đầu tư đã rút ngắn kế hoạch dự án từ 6 tháng đến 1 năm còn 30 ngày, vậy thay vì 2-3 năm để dự án được xây dựng thì quý vị rút ngắn còn 6 tháng được không? Bây giờ lãnh đạo phải chọn một số dự án lớn, có khả thi làm thí điểm trước để khẳng định rằng chúng tôi nói là làm chứ không phải kiểu trên bảo dưới không nghe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.