Theo CNN, chốt ngày giao dịch 22.3 (theo giờ Mỹ) chỉ số Dow giảm mạnh 724 điểm, cho thấy lo ngại ngày càng tăng giữa các nhà đầu tư về việc Washington áp thuế đối với Trung Quốc. Đây là lần giảm điểm lớn thứ năm trong lịch sử và là ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ đợt hỗn loạn hồi đầu tháng 2.2018. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 2,5% và chỉ số Nasdaq giảm 2,4%.
“Cuộc chiến thương mại toàn cầu, dù cho đó là thực tế hay chỉ là cảm nhận, cũng đều đang đè nặng lên thị trường. Nếu Trung Quốc quyết định trả đũa đối với nông nghiệp Mỹ hoặc bất cứ lĩnh vực nào khác, thì đó sẽ là điều làm mọi người hoảng sợ”, Ian Winer, người đứng đầu nhóm các loại cổ phiếu tại Wedbush Securities, nói.
Tổng thống Trump vào hôm 22.3 công bố mức thuế nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc với trị giá khoảng 60 tỉ USD. Hiện không rõ sản phẩm nào sẽ bị áp thuế, nhưng hành động này được cho là để ngăn chặn hành vi trộm cắp của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ.
“Tình hình trộm cắp tài sản trí tuệ đang diễn ra trầm trọng”, ông Trump nói. Tổng thống Mỹ cũng mô tả thâm hụt thương mại Trung - Mỹ là “ngoài tầm kiểm soát”.
Ngay sau khi tuyên bố áp thuế được đưa ra, Bắc Kinh cảnh báo rằng “chắc chắn” sẽ có những biện pháp cần thiết để tự bảo vệ mình, nhưng vẫn chưa nói rõ họ sẽ hành động cụ thể như thế nào.
Chỉ số Fear & Greed Index của CNN, một thước đo tâm lý thị trường, đã giảm xuống mức “cực kỳ sợ hãi”. Chỉ số biến động VIX tăng 31% mặc dù đã ở mức cao kể từ đầu tháng 2.2018.
Theo một khảo sát gần đây được các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merrill Lynch thực hiện, nỗi lo sợ lớn nhất của Phố Wall hiện tại là một cuộc chiến thương mại. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1.2017, nỗi sợ về chiến tranh thương mại đã vượt qua lạm phát để trở thành rủi ro lớn nhất của thị trường.
Căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang là một vấn đề nghiêm trọng vì cả hai nước đều là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc là nước mua nông sản chủ yếu của Mỹ và Mỹ cũng mua hàng tấn các sản phẩm Trung Quốc. Quốc gia châu Á cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, sở hữu nhiều trái phiếu Kho bạc Mỹ hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.
Sự phấn khởi đưa cổ phiếu lên cao hồi tháng 1.2018 đã biến mất. Lo ngại về lạm phát và tăng lãi suất trái phiếu đã gây ra một đợt biến động tại Phố Wall vào đầu tháng 2.2018 khiến thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng giảm hơn 10% so với mức cao trước đó. Tuy nhiên, lo lắng về lạm phát sau đó đã biến mất, cho phép thị trường hồi phục. Và bây giờ trọng tâm đang dồn về chương trình thương mại của ông Trump.
Một số nhà phân tích thị trường đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc dùng thuế quan để giải quyết vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ.
“Không lẽ không có cách nào khác phù hợp hơn để đối phó với vấn đề này hay sao? Cuối cùng người tiêu dùng Mỹ sẽ lại một lần nữa phải trả giá cho quyết định này của chính quyền”, Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của The Bleakley Advisory Group, viết trong một báo cáo.
Bình luận (0)