Đây là thông tin được công ty công bố ngày 24.10, nhân dịp lễ khai trương niêm yết chứng chỉ quỹ này trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã giao dịch FUESSV50.
Theo bà Tô Thùy Linh, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI, từ đầu năm 2017 đến ngày 22.8, quỹ E1SSHNX30 - tên gọi cũ của quỹ ETF SSIAM VNX50 - mô phỏng chỉ số HNX30 đạt được tỷ suất lợi nhuận tốt là 28%. Riêng từ ngày 22.8, quỹ này chuyển đổi toàn bộ danh mục đầu tư sang mô phỏng chỉ số VNX50 nhằm mang lại lợi tích tốt nhất cho nhà đầu tư. Tính chung 9 tháng, quỹ đã đạt mức tăng trưởng 32%.
Kết quả kinh doanh khả quan của quỹ ETF SSIAM VNX50 không phải là cá biệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017. Trước đó, theo thống kê của Học viện chứng khoán DOBF, chỉ tính đến hết tháng 6.2017, trong số 17 quỹ nội đầu tư cổ phiếu, có 9 quỹ đã “chiến thắng” chỉ số VN-Index. Trong khi chỉ số VN-Index tăng 17% so với cuối năm 2016 thì top 3 quỹ đầu tư có mức tăng trưởng tài sản ròng là TVGF tăng 37,6%, E1SSHN30 tăng 27,3% và VCBF-BCF với mức tăng 24,9%.
Quỹ có thành tích tốt nhất nửa đầu năm nay là TVGF của Công ty quản lý quỹ Thiên Việt với mức tăng trưởng 37,6%. Danh mục của TVGF thành công với ACB, HCM và một loạt cổ phiếu vốn hóa tầm trung được giải ngân vào thời điểm thuận lợi (cuối năm 2016, thời điểm quỹ thành lập).
Bên cạnh đó, một quỹ khác do Công ty quản lý quỹ SSI quản lý là SSI SCA cũng đạt được kết quả tốt với mức tăng trưởng tài sản ròng (NAV) 22% trong nửa đầu năm 2017 (thuộc top 5 doanh nghiệp có mức tăng trưởng NAV cao nhất). Tương tự, trong số 39 quỹ ngoại đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có 19 quỹ có mức tăng trưởng NAV cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index trong nửa đầu 2017. Trong đó PYN (Mutual Fund Elite), VEIL (Dragon Capital) và VEEF (PXP) là 3 quỹ tăng trưởng cao nhất lần lượt ở mức 28,7%, 26,5% và 26,5%.
|
Theo thống kê của DOBF, về cơ bản, "khẩu vị" chung của các quỹ sẽ gồm 3 yếu tố: vốn hóa, doanh nghiệp đầu ngành và có tăng trưởng. Định giá sẽ không phải là vấn đề ưu tiên trong phần lớn sự lựa chọn, ngoại trừ các quỹ đeo đuổi trường phái đầu tư giá trị. Vì vậy cũng dễ hiểu khi những cái tên như VNM, FPT, VCB luôn nằm trong top đầu nắm giữ của các quỹ. Trong 1 năm qua, danh mục các quỹ cũng ít có sự biến động lớn, chủ yếu thiên về mua và nắm giữ.
Một trong các thương vụ đầu tư thành công lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt phải kể đến là quỹ Mekong Enterprise Fund II, sau 10 năm đầu tư vào hệ thống bán lẻ điện thoại - điện máy Thế Giới Di Động (MWG) đã thu được khoản lợi nhuận kếch xù. Dù không công bố chi tiết nhưng ngay từ khi bán số cổ phần đầu tiên tại MWG vào năm 2013, quỹ này đã cho biết thu nhập đạt gấp 11 lần so với khoản đầu tư ban đầu của quỹ vào năm 2007. Và kể từ khi lên sàn từ cuối năm 2014 đến nay, cổ phiếu của Thế Giới Di Động đã tăng gần 200% so với giá chào sàn (bao gồm cổ phiếu thưởng, cổ tức…). Như vậy khoản lợi nhuận của quỹ Mekong càng tăng mạnh. Gần đây, khi quỹ Mekong liên tục bán ra số cổ phiếu tại MWG thì hàng loạt quỹ ngoại khác đã tranh nhau mua vào như Dargon Capital, Aquila SPC LTD, Idris LTD và KB Vietnam Focus Balanced Fund.
Bình luận (0)