Sẽ tiết kiệm được 2.500 tỉ đồng nhờ giảm thủ tục kiểm tra hàng hóa

Chí Hiếu
Chí Hiếu
03/02/2018 06:30 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo tính toán, với Nghị định 15 Chính phủ vừa ban hành, số ngày công thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm của doanh nghiệp sẽ giảm 2,8 triệu ngày, tương đương giá trị 2.500 tỉ đồng.

Ngày 2.2, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thông tin về nội dung quan trọng của phiên họp tại buổi họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết một điểm đáng chú ý là Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về kiểm tra an toàn thực phẩm. 
Trả lời câu hỏi về dự án mỏ muối kali của Tập đoàn hóa chất VN đầu tư tại Lào, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho hay dự án chưa đi vào hoạt động, tuy nhiên, Bộ Công thương xét thấy nếu tiếp tục triển khai thì hiệu quả dự án không đảm bảo nên đề xuất dừng. Nguyên nhân chính là giá thành muối mỏ này không như mong đợi. “Khi lập báo cáo khả thi thì giá là 500 USD/tấn, nhưng nay hạ còn 300 USD, thậm chí có lúc xuống 250 USD. Quan điểm của Đảng là dự án kinh tế thì phải đảm bảo hiệu quả. Chính phủ đã họp và Bộ Công thương đề xuất báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị cũng đã họp và chúng tôi đang chờ chỉ đạo để thực hiện theo ý kiến của Bộ Chính trị”, ông Hải nói.
“Nghị định là bước tiến mạnh như sẽ giảm 90% sản phẩm hàng hóa phải công bố về an toàn thực phẩm và sẽ thực hiện giao cho doanh nghiệp (DN) tự công bố. Nghị định cũng giúp giảm thời gian thủ tục hành chính từ 15 ngày còn 7 ngày. Xử lý chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, theo đó chuyện 1 thanh kẹo chocolate cần đến 13 giấy phép sẽ không còn...”, ông Dũng nói, đồng thời dẫn tính toán của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng quy định này sẽ cắt giảm 2,8 triệu ngày công cho các DN, tương đương số tiền tiết kiệm được khoảng 2.500 tỉ đồng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo điều hành. Nhờ vậy, tăng trưởng giữ được nhịp điệu của 6 tháng cuối năm 2017. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP. Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, trong đó có 10.800 DN thành lập mới (cùng kỳ có gần 9.000 DN), và có thêm trên 4.500 DN quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỉ USD. Văn hóa, xã hội, được đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhất là đối với vùng khó khăn, thiên tai.
Dù vậy, tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý, không tự mãn, lơ là, chủ quan với kết quả của tháng 1. “Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phát huy tinh thần của đội tuyển U.23 VN. Tinh thần và cách làm như những tháng cuối năm 2017 phải được thể hiện trong quý đầu năm 2018. Triển khai nghiêm túc Nghị quyết 01. Tăng cường công tác đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, tránh tình trạng đầu năm thong thả cuối năm vất vả”, ông Dũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng.
Sắp trình đề án về kinh tế ngầm
Trả lời câu hỏi tại họp báo về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thống kê đối với khu vực kinh tế ngầm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương, cho biết cơ quan này đã xây dựng “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” và hiện đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành đề án trong tháng 2.
Ông Phương hé lộ, mấu chốt của đề án là phải làm rõ thế nào là khu vực kinh tế chưa được quan sát. Theo đó, đây là một khái niệm bao gồm 5 thành tố. Thành tố thứ nhất bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm - là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý, nhằm tránh phải nộp thuế, bảo hiểm, các thủ tục pháp lý, hành chính... Thứ hai là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người...
Thành tố thứ ba là hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, bao gồm hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.
Thành tố thứ tư là hoạt động kinh tế hộ gia đình, bao gồm các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình, các hoạt động xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, tự tích lũy tài sản cố định khác, hoạt động giúp việc cho gia đình. Thành tố thứ năm là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi, hoặc đối tượng điều tra không hợp tác...
Ông Phương cũng thông tin, tại cuộc họp ngày 2.2, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ thông qua Nghị quyết về vấn đề thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và dự kiến quy định về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban sẽ được thông qua trong quý 2/2018. “Mô hình của Ủy ban sẽ khác Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn SCIC vì không chỉ là quản lý kinh doanh, Ủy ban còn quản lý cả tài sản với tổng tài sản lên tới 5,4 triệu tỉ đồng”, ông Phương nói.
Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2018 chiều 2.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc Chính phủ có chủ trương xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ là rất cần thiết để chủ động triển khai có hiệu quả kinh tế chia sẻ tại VN.
Thủ tướng hoan nghênh Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chủ trì nghiên cứu báo cáo về mô hình kinh tế chia sẻ nhằm ứng dụng, quản lý tốt hơn loại hình kinh tế này. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì làm việc với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện đề án này, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, sớm trình Chính phủ cho ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.