Theo CNN, cách đây hai tuần, Tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) hoàn tất mọi thủ tục trong việc mua lại Syngenta, nhà sản xuất hạt giống và hóa chất nông nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ, với giá 44 tỉ USD. Thương vụ này được đánh giá là cuộc tiếp quản doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Đại lục.
Hôm 11.7, Dow Chemical (DOW), công ty hóa chất lớn nhất của Mỹ, thông báo rằng có một quỹ nông nghiệp được chính phủ Trung Quốc bảo trợ tuyên bố sẽ chi 1,1 tỉ USD cho nghiên cứu hạt giống ngô của Brazil.
Theo hãng dữ liệu Dealogic, trong gần hai thập niên qua các công ty của quốc gia châu Á đã chi tổng cộng 91 tỉ USD để mua gần 300 doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm. Vậy đâu là nguyên nhân cho tham vọng kiểm soát nguồn lương thực toàn cầu của Trung Quốc?
Chống lại nạn thiếu lương thực trong nước
Tuy tất cả các quốc gia đều cố gắng để chống lại nạn thiếu lương thực, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Đại lục kể từ sau đợt thiếu lương thực trầm trọng bắt đầu vào cuối những năm 1950 khiến hàng triệu người dân bị chết đói. Do đó, các chuyên gia cho rằng những thương vụ mua bán trên là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm cải thiện khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân số khổng lồ gần 1,4 tỉ người, đặc biệt là tầng lớp trung lưu giàu có đang ngày càng lớn mạnh.
tin liên quan
Trung Quốc đang thay đổi nền thương mại hàng hóa như thế nào?Nền thương mại hàng hóa của Trung Quốc đang cho thấy nhiều sự thay đổi kể từ những năm 2000 cho đến nay.
Trong khi đó, Brett Stuart, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Global AgriTrends, nhận định rằng những nỗ lực gần đây nhất để mua lại doanh nghiệp thực phẩm nước ngoài đang cho thấy Trung Quốc muốn có được các bí quyết cần thiết để cải thiện năng suất trồng trọt trong nước. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cố gắng hết sức có thể để nắm trong tay các kiến thức quan trọng phục vụ cho mục tiêu tự cung cấp thực phẩm. Họ biết rõ rằng nếu không có đủ nguồn thực phẩm giao dịch trên thế giới để cứu họ thì họ sẽ thất bại”, ông Stuart nói.
Nâng cao lợi ích quốc gia
Ngoài mục đích chống lại cuộc khủng hoảng lương thực thời hiện đại, các thương vụ tiếp quản công ty thực phẩm nước ngoài của đất nước châu Á còn phục vụ cho lợi ích quốc gia. “Tại Trung Quốc, chính phủ luôn dành sự hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp mua lại công ty thực phẩm của nước ngoài. Và điều này đang khiến thị trường quốc tế lo ngại rằng trong trường hợp nguồn lương thực toàn cầu bị thiếu hụt, thay vì tôn trọng các hợp đồng kinh doanh, họ sẽ tập trung gom hết thực phẩm về thị trường nội địa”, ông Bailey cảnh báo.
Theo ông Stuart, mối quan tâm về an ninh lương thực bắt đầu nổi lên vào năm 2013 khi công ty Shuanghui International của Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Smithfield Foods, hãng sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới tại Mỹ.
“Trung Quốc không phải là nước duy nhất hành động để tăng cường năng lực nông nghiệp. Các nước như Ả Rập Xê Út và Nhật Bản cũng đang mua vào nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi cung cấp lương thực toàn cầu, nhưng động thái của họ không mạnh mẽ như Trung Quốc. Nếu Đại lục tiếp tục có thêm nhiều tài sản nông nghiệp ở bên ngoài, thì tình hình an ninh lương thực trên thế giới sẽ ngày càng bị đe dọa”, ông Stuart nói.
tin liên quan
Trung Quốc và cuộc 'xâm chiếm' đất nông nghiệp toàn cầuĐối mặt với tình trạng đất canh tác đang bị thu hẹp và dân số hiện nay đã tăng đến con số 1,4 tỉ người, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới tìm kiếm lương thực trên khắp toàn cầu.
Bình luận (0)