Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0

29/11/2017 17:21 GMT+7

Sử dụng các loại thẻ ngân hàng, ví điện tử trong mọi hoạt động chi tiêu, thanh toán dịch vụ hằng ngày là xu hướng đang phát triển mạnh và đích hướng đến của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là nội dung của tọa đàm “Định hình cuộc sống thông minh cho người Việt” diễn ra tại Hà Nội sáng 29.11.
Dịp này, Uber và MoMo cùng công bố hợp tác chiến lược. Đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Uber hợp tác cùng một công ty Fintech. “Đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam công bố mục tiêu đưa tỉ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 90% tổng thanh toán quốc gia vào năm 2020. Uber tự hào khi được hỗ trợ cho mục tiêu chung này. Sự hợp tác giữa hai đơn vị là một bước tiến mới và hi vọng sẽ truyền cảm hứng để nhiều công ty kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, đưa cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành hiện thực”, ông Brooks Entwistle, Tổng giám đốc kinh doanh Uber khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty M_Service, sở hữu ví MoMo, cho biết MoMo là ví đầu tiên tại Đông Nam Á và là ví điện tử thứ hai trên thế giới là phương tiện thanh toán trên Uber.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tại Việt Nam gần 90% người dân vẫn sử dụng tiền mặt. Giá trị thật sự của việc không dùng tiền mặt đối với xã hội như sử dụng ví điện tử giúp không có dòng tiền chết chờ ở các ngân hàng, dòng tiền được di chuyển liên tục, góp phần tạo ra lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Hi vọng thời gian tới thanh toán không dùng tiền mặt trở thành hoạt động bình thường của nhiều người dân. Nhưng vấn đề an toàn, bảo mật thông tin cần phải được gia tăng để tăng an toàn và tạo niềm tin của người dùng.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định xu thế thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển rất cao. Như Thụy Điển là quốc gia đều thanh toán qua thẻ. Trẻ em vẫn có thể sử dụng thẻ và giao dịch. Hàn Quốc trong những năm 60 cũng như Việt Nam nhưng ngày nay đại đa số người dân đã thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên tại Việt Nam, hơn 60% người dân ở các vùng nông thôn thì tỉ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng vẫn còn ít. Vì vậy nếu người dân được thuyết phục thì sẽ chuyển đổi như việc sử dụng điện thoại cũng nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.