Thầy giáo nuôi chim trĩ bán vào siêu thị

03/01/2018 14:27 GMT+7

Trang trại chim trĩ với gần 7.000 con của một thầy giáo già ở Đồng Nai mới đây đã ký được hợp đồng cung cấp thịt cho một siêu thị lớn ở TP.HCM.

[VIDEO] Thầy giáo tiểu học nuôi chim trĩ xuất bán vào siêu thị
Đó là trang trại của thầy Nguyễn Thành Đính (ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc, Đồng Nai), giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (xã Xuân Thọ).
Trao đổi với PV Thanh Niên, thầy Đính cho hay sau thời gian ấp ủ, tìm hiểu, học hỏi cách thức, kinh nghiệm nuôi chim trĩ, giữa năm 2016 thầy đã quyết định mở trang trại nuôi chim trĩ trên phần đất của gia đình.
“Mới đầu, tôi lên trang trại ở Tây Ninh mua 40 con chim trĩ về làm giống (gồm 35 mái và 5 trống). Với tốc độ đẻ mỗi ngày mỗi trứng liên tiếp trong 4 tháng, sau đó nghỉ 2 tháng rồi đẻ tiếp, đàn chim giống này nhanh chóng cho ra đời hàng ngàn quả trứng, số trứng này lại được cho ấp để nhân đàn. Cứ như vậy, tính đến nay tổng đàn chim trĩ tại trang trại của tôi có gần 7.000 con, trong đó có đến 250 con giống”, thầy Đính chia sẻ.
Theo thầy Đính, chim trĩ khá dễ nuôi, ít bệnh tật. Quy trình từ lúc ấp trứng đến khi trưởng thành cũng đơn giản. Cụ thể, trứng sau khi cho vào lò ấp 25 ngày thì nở, lúc này chim còn yếu nên phải úm trong chuồng nhỏ với nhiệt độ ấm. Khoảng 1 tháng sau khi cơ thể đã cứng cáp thì cho ra chuồng trưởng thành. Chuồng trưởng thành là chuồng rộng, cao, được giăng nhiều thanh ngang để chim bay nhảy.
Thầy Đính giải thích: “Loài này ưa cắn nhau, mỏ chúng lại rất nhọn và bén, nếu cắn mạnh quá thì sẽ bị thương dẫn đến chết, nên trong các chuồng tôi thiết kế thêm các tầng để chúng có chỗ bay để trốn khi rượt đuổi, đồng thời giúp thịt được săn chắc, ăn ngơn hơn”.
Thời gian từ lúc nở cho tới xuất bán khoảng 5 tháng, lúc này chim trống nặng tầm 1,4kg, chim mái 1,2kg
Mục tiêu xuất vào siêu thị
Thầy Đính cho hay ngay từ khi thành lập trang trại đã hướng đến mục tiêu xuất sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Bởi chim trĩ là loại động vật hoang dã, chưa được nuôi phổ biến. Nếu bán nhỏ lẻ qua thương lái thì sẽ bị ép giá, đầu ra bấp bênh. Vì vậy, thầy đã xây dựng trang trại theo quy trình sạch, khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình nuôi đều tiêm phòng đầy đủ, đồng thời hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh.
Giữa năm 2017 trang trại của thầy Định được Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiếp đó, thầy Đính chủ động liên hệ với Sở Công thương TP.HCM để tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc nhằm đưa được sản phẩm chim trĩ vào thị trường TP.HCM, sau đó hợp tác với lò giết mổ tập trung theo tiêu chuẩn Lifsap.
Sau rất nhiều nỗ lực, giữa tháng 12.2017, trang trại của thầy Đính đã ký được hợp đồng với siêu thi Coop Mark Phú Nhuận (TP.HCM) để đưa thịt chim trĩ vào bán tại đây. Theo đó mỗi ngày, siêu thị này sẽ nhập 100 con chim thịt với giá 240.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, cho biết ngoài hai vật nuôi chủ lực là heo và gà, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi các vật nuôi mới như vịt trời, dúi, chim trĩ… Chủ trương của tỉnh là khuyến khích người dân đa dạng hóa vật nuôi, nhất là các mô hình nuôi theo quy chuẩn sạch, chất lượng. Tuy nhiên theo ông Quang, tỉnh cũng sẽ theo dõi và kiểm soát chặt để hạn chế việc nuôi ồ ạt, chạy theo phong trào dẫn đến mất giá, không tiêu thụ được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.