Thủ tướng trăn trở đưa doanh nghiệp Việt ra biển lớn

12/12/2017 11:01 GMT+7

Tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2017 sáng nay (12.12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở làm sao doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn, khi chủ yếu vẫn là quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2017 (VBF) quy tụ hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhiều tên tuổi lớn như Samsung, Intel... Diễn đàn đã diễn ra được 20 năm, là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm lại kết quả điều hành kinh tế năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến đạt 6,7%, là mức cao nhất trong 10 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, thương mại xuất siêu, kiểm soát được lạm phát.

Nền kinh tế ghi nhận có trên 120.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký hơn 3 triệu tỉ đồng và 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; số vốn FDI đăng ký đạt hơn 35 tỉ USD - cao nhất trong 10 năm qua. Thủ tướng ghi nhận, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế, người dân mà còn mang lại lá phiếu ủng hộ Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư.

Nhắc lại đánh giá của Ngân hàng thế giới khi xếp hạng Việt Nam tăng 14 bậc lên 68/190 quốc gia về môi trường đầu tư, song Thủ tướng lưu ý Việt Nam phải làm nhiều việc, đổi mới hơn để tiến tới nhóm đầu ASEAN về môi trường, thủ tục đầu tư. Bên cạnh niềm vui còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và người dân, doanh nghiệp biến thành cơ hội.

Đã có tập đoàn tư nhân lớn mạnh

Lắng nghe ý kiến, mong muốn của cộng đồng doanh nhân, Thủ tướng thay mặt Chính phủ đưa ra một loạt cam kết. Thứ nhất, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giúp kết nối thông minh giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thứ hai, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định bởi đây là lợi thế cạnh tranh trong môi trường thế giới nhiều bất ổn. Đẩy mạnh cải cách nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng và trong lĩnh vực thuế để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp... Trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục sử dụng các công cụ tài khoá tiền tệ thúc đẩy việc làm, cải thiện đời sống người dân.

Thứ ba, Chính phủ tập trung cải cách chất lượng thể chế, tăng tính minh bạch, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước... duy trì sự tăng trưởng, bảo đảm thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên bằng tầng lớp thu nhập trung bình, khá.

“Chính phủ Việt Nam kỳ vọng vào lớp doanh nghiệp, thế hệ doanh nhân mới. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Làm sao doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở của Chính phủ”, Thủ tướng chia sẻ và lưu ý, gần đây nước ta nổi lên một số Tập đoàn tư nhân lớn, có sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả thế giới. Điều đó cho thấy, cơ hội cho doanh nghiệp Việt trỗi dậy là rất lớn. Nhưng Chính phủ mong muốn doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, áp dụng công nghệ hiện đại, hướng tới giá trị gia tăng, chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đồng tình với nhiều ý kiến, cái gì tư nhân làm được để tư nhân làm, Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục, không để thụt lùi trong quá trình hội nhập.

“Chính phủ trân trọng, chào đón doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng không hoan nghênh doanh nghiệp làm ăn không chân chính; xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động bất hợp pháp; buôn bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại...”, Thủ tướng lưu ý.

Nhắc lại sự đồng hành, chung tay của Chính phủ, Thủ tướng lưu ý chính cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên diện mạo Việt Nam trong thời gian tới, là lực lượng hiện thực hoá khát vọng phồn vinh của người dân Việt Nam. Tất cả những kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp Thủ tướng cam kết sẽ được các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu để cải cách, sửa đổi vì lợi ích chung của nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.