Hội thảo diễn ra vào ngày 16.11 tại TP.HCM, nhằm tăng cường hợp tác chiến lược phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo theo mô hình đối tác công - tư và giới thiệu Nhóm công tác đối tác công - tư ngành gạo (còn gọi là Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo).
Thực trạng ngành lúa gạo Việt Nam
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) thuộc Bộ NN-PTNT cho biết: mặt hàng gạo hiện đã vượt qua tầm an ninh lương thực, trở thành mặt hàng thương mại, xuất khẩu. “Giá trị giao dịch thương mại lúa gạo toàn cầu những năm gần đây ở mức khoảng 23 tỉ USD/ năm. Việt Nam đã từng ở vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu lúa gạo nhưng hiện nay chỉ ở vị trí thứ 3 và đang cạnh tranh gay gắt”. Cũng theo ông Tuấn, có những tác động lớn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất ngành gạo hiện nay như: biến đổi khí hậu, diện tích canh tác bị thu hẹp, công tác quy hoạch đất nông nghiệp chưa hiệu quả nên khó có thể sản xuất lúa gạo theo mô hình cánh đồng lớn, xu hướng tiêu dùng thay đổi, chuỗi cung ứng trong ngành hàng còn yếu kém, chưa có sự liên kết giữa khối công và khối tư, thiếu cơ chế điều phối hiệu quả…”.
Xu hướng hợp tác công - tư và sứ mệnh Nhóm công tác PPP
|
Theo ông Tuấn, việc phối hợp khối công và khối tư trong ngành hàng gạo là vô cùng cần thiết. Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp tư nhân làm tốt việc này và đó là những điểm sáng, là mô hình có thể nhân rộng, học tập kinh nghiệm trong quá trình hợp tác giữa khối công và khối tư trong ngành gạo.
Hội thảo chính thức ra mắt Nhóm công tác đối tác công - tư ngành gạo (còn gọi là Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo) gồm các thành viên: đồng chủ trì là Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn IPSARD và Công ty Bayer Việt Nam; Khu vực công có đại diện là Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Khu vực tư có các đại diện như: Công ty Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Tập đoàn Lộc Trời và Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ngoài ra còn có các đối tác khác: tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV).
Trong năm 2017, Nhóm công tác sẽ thực hiện dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP gồm: 1 dự án tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3 dự án tại ĐBSCL với quy mô 1.000 ha/dự án. Thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật do các công ty trong nhóm cung cấp để hỗ trợ nông dân; xây dựng hệ thống thông tin (thông tin nông hộ, thông tin sản xuất, thị trường, chính sách hỗ trợ…), hoàn thiện và phổ biến tài liệu hướng dẫn về sản xuất lúa gạo bền vững, lồng ghép với các tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP).
Ông Bùi Văn Kịp, đại diện Công ty Bayer Việt Nam đồng chủ trì Nhóm công tác PPP ngành hàng gạo cho biết: “Bayer Việt Nam sẽ đóng góp vào PPP những định hướng, mục tiêu và chiến lược hoạt động của nhóm công tác phù hợp cũng như giải quyết những khó khăn về chất lượng như vấn đề quản lý dư lượng trên gạo và chất lượng gạo xuất khẩu, giới thiệu các công nghệ tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các mô hình hợp tác xuyên suốt chuỗi giá trị hướng đến xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao và bền vững cho Việt Nam. Từ đó, đời sống nông dân trồng lúa được nâng cao, đặc biệt là nông dân có diện tích đất canh tác nhỏ”.
Kỳ vọng tại hội thảo lần này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Tôi tin rằng, với sự hợp tác giữa khối công, khối tư và các đối tác khác, các hoạt động của Nhóm công tác sẽ thành công, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây là một cơ hội mới cho ngành gạo Việt Nam, cơ hội hợp tác cùng phát triển. Tôi hy vọng thông qua hội thảo này sẽ thu hút được nhiều đối tác tiềm năng tham gia Nhóm công tác để cùng chung sức phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Bình luận (0)